WHO: Tổng ca COVID-19 toàn cầu hơn 16 lần số ghi nhận, hơn 2/3 người châu Phi nhiễm SARS-CoV-2

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:46, 07/04/2022

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 7.4, hơn 2/3 số người châu Phi đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, gấp 97 lần so với số ca được ghi nhận.

Nghiên cứu cho thấy, đến tháng 9.2021, 800 triệu người châu Phi đã nhiễm SARS-CoV-2, so với chỉ 8,2 triệu trường hợp được báo cáo vào thời điểm đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tình trạng đếm sai số đang diễn ra khắp mọi nơi, nhưng ở mức độ thấp hơn so với ở châu Phi. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc nói rằng trung bình trên toàn cầu, số ca mắc COVID-19 thật sự cao hơn 16 lần so với con số được ghi nhận.

Vào thời điểm viết bài, cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 495,818 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 6,193 triệu người chết.

Edouard Mathieu, trưởng bộ phận dữ liệu của trang Our World in Data, cho biết số người chết thực tế vì COVID-19 toàn cầu có thể gấp gần 4 lần số ghi nhận.

tong-ca-covid-19-toan-cau-gap-16-lan-so-ghi-nhan.jpg
Sinh viên Nigeria được xét nghiệm COVID-19 tại Sân bay quốc tế Nnamdi Azikiwe, Nigeria ngày 4.3 sau khi chạy khỏi Ukraine trốn cuộc tấn công từ Nga - Ảnh: Reuters

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nói rằng việc châu lục này tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 cao và tỷ lệ lây nhiễm đang giảm không đồng nghĩa là có thể tuyên bố chiến thắng COVID-19.

Bà Matshidiso Moeti nói: “Không thể gạt sang một bên rủi ro về các biến thể gây chết người lấn át khả năng miễn dịch có được từ nhiễm SARS-CoV-2 trong quá khứ”, đồng thời kêu gọi tăng cường xét nghiệm.

Nghiên cứu bao gồm tổng hợp 151 nghiên cứu trước đây về tỷ lệ lưu hành huyết thanh ở châu Phi, tỷ lệ cá thể có kháng thể SARS-CoV-2 trong huyết thanh của họ.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã tăng vọt từ 3% vào tháng 6.2020 lên 65% hồi tháng 9.2021, với sự gia tăng mạnh sau sự xuất hiện của biến thể Beta và Delta.

Các nghiên cứu ước tính rằng 45% dân số toàn cầu đã mắc COVID-19 vào tháng 9.2021, nhưng WHO cho biết việc so sánh rất khó khăn vì các nghiên cứu bao gồm các khoảng thời gian khác nhau.

Với xét nghiệm chẩn đoán định kỳ ở châu Phi, tập trung vào khách du lịch và những người đến bệnh viện có các triệu chứng, các nghiên cứu về tỷ lệ huyết thanh cung cấp dữ liệu về các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng mà không bị phát hiện.

Châu Phi có tỷ lệ các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng cao hơn các khu vực khác trên thế giới, với 67% trường hợp, WHO cho biết.

Điều đó một phần là do tỷ lệ người mắc các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường và tăng huyết áp ít hơn, đồng thời một phần do dân số trẻ của lục địa đen.

Đến nay, châu Phi đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ cho 209 triệu người, tương đương 16% dân số.

WHO và các cơ quan khác đang cố gắng tăng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở châu Phi, nhưng đang phải vật lộn với tỷ lệ hấp thụ thấp, một phần do nhận thức rằng việc này ít hữu ích hơn vì biến thể Omicron đang chiếm ưu thế ít độc lực hơn.

WHO cho biết việc tiêm vắc xin COVID-19 cho những người đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó mang lại sự bảo vệ tốt hơn so với việc miễn dịch tự nhiên. Hai nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet cũng cho thấy điều này.

Một nghiên cứu trên 22.566 người ở Brazil đã khỏi COVID-19 cho thấy 4 loại vắc xin đang được sử dụng tại nước này, từ Sinovac Biotech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Pfizer-BioNTech, cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể. Hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 từ 14 ngày sau khi tiêm vắc xin dao động từ 39,4% với CoronaVac của Sinovac đến 64,8% với vắc xin Pfizer-BioNTech. Hiệu quả chống nhập viện hoặc tử vong dao động từ 81,3% với CoronaVac đến 89,7% với vắc xin Pfizer-BioNTech.

Sử dụng dữ liệu từ hơn 5 triệu người ở Thụy Điển, nghiên cứu thứ hai phát hiện ra rằng miễn dịch lai (kết hợp nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin) có thể cung cấp thêm sự bảo vệ ngăn tái nhiễm thêm ít nhất 9 tháng so với miễn dịch tự nhiên đơn thuần.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Miễn dịch lai với 1 và 2 liều vắc xin có liên quan đến giảm 90-94% nguy cơ nhập viện COVID-19 so với miễn dịch tự nhiên đơn thuần”.

Cả hai nghiên cứu đều không bao gồm những bệnh nhân nhiễm hoặc tái nhiễm biến thể Omicron.

Một nghiên cứu khác ở Qatar đưa ra cái nhìn sâu sắc về khả năng bảo vệ của miễn dịch lai chống lại Omicron.

Trong nghiên cứu gần đây được đăng lên máy chủ lưu trữ sơ bộ medRxiv, các tác giả phân tích ảnh hưởng của nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đây, tiêm vắc xin và miễn dịch lai ngăn nhiễm biến thể Omicron BA.1, BA.2.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc tiêm vắc xin giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho những người đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Kết quả là khả năng miễn dịch lai do từng nhiễm SARS-CoV-2 kết hợp với tiêm 3 liều vắc xin tạo ra sự bảo vệ mạnh nhất chống lại nhiễm biến thể BA.1 và BA.2.

Sơn Vân