Điện Kremlin khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm ngăn chặn Thế chiến 3

Quốc tế - Ngày đăng : 13:08, 08/04/2022

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mục tiêu của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3.

"Hãy thử tưởng tượng nếu Ukraine trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tấn công Nga để giành quyền kiểm soát Crimea. Khi áp dụng Điều 5 của Hiến chương NATO, các nước đồng minh có vũ khí hạt nhân sẽ phải bảo vệ Ukraine, điều này tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3. Do đó, chiến dịch hiện tại sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi mối đe dọa tiềm tàng của một cuộc chiến như vậy", ông Peskov phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Sky News (Anh) hôm 7.4.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga không phát động một cuộc chiến tranh, mà chỉ là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Theo ông Peskov, chiến dịch này là cần thiết vì Ukraine đã trở thành một "trung tâm chống Nga" kể từ năm 2014 - thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

6079589.jpg
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: TASS

Ngoài ra, ông hy vọng chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ hoàn tất trong tương lai gần, thông qua các biện pháp đàm phán hoặc quân sự.

"Quân đội Nga đang cố gắng hết sức để kết thúc chiến dịch này. Chúng tôi hy vọng trong những ngày tới và trong tương lai gần, chiến dịch này sẽ đạt được mục tiêu hoặc sẽ được kết thúc bằng các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Ukraine", Peskov cho hay.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Kyiv, “bất chấp những hành động khiêu khích”.

"Bất chấp mọi hành động khiêu khích, phái đoàn Nga sẽ tiếp tục quá trình đàm phán, thúc đẩy để dự thảo thỏa thuận, giải thích thích rõ ràng và đầy đủ các quan điểm, yêu cầu quan trọng mà chúng tôi đưa ra từ đầu", ông Lavrov nói hôm 7.4.

Nội bộ NATO đang chia rẽ vì Nga

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước thành viên NATO đã không ngừng viện trợ quân sự cho Kyiv nhằm củng cố năng lực phòng vệ với việc tăng cường cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, liên minh quân sự này đã nhiều lần từ chối lời đề nghị của Kyiv về việc thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine vì lo ngại rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến đối đầu trực diện với Nga.

Theo New York Times, các thành viên NATO đang có những quan điểm khác biệt về chiến lược sẽ áp dụng đối với Moscow trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine đang tiếp diễn.

Lo ngại chiến thắng của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ là mối đe dọa cho an ninh châu Âu, Ba Lan và các nước vùng Baltic đã lên tiếng ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moscow. Tuy nhiên, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập luận không thể dễ dàng khuất phục Nga và muốn duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đặc biệt, bất đồng giữa các thành viên NATO cũng đẩy lên cao trào thời gian gần đây khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã công khai chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì nỗ lực của ông trong việc cố gắng đàm phán với Moscow.

Đáp lại, ông Macron khẳng định các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin để nhằm để tránh chiến tranh và xây dựng nền tảng mới cho hòa bình ở châu Âu.

Hoàng Vũ