Yêu cầu xử lý trách nhiệm nếu chậm tiến độ thực hiện thu phí không dừng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:11, 08/04/2022

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu hoàn thành thu phí không dừng đúng tiến độ, có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.

Phó thủ tướng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30.6.2022.

VEC được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong 5 dự án nêu trên mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10.6.2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức dừng.

etc.jpg
Nhiều trạm thu phí vẫn thực hiện thủ công, dừng xe để thu phí

Trên cơ sở số lượng các làn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, VEC tính toán trước mắt phân kỳ đầu tư 140 làn thu phí không dừng sẽ bảo đảm các cao tốc thu phí theo hình thức thu phí ETC đồng bộ, đáp ứng yêu cầu.

Để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Với phương án này, tiến độ thực hiện sẽ được đẩy nhanh hơn, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý 2/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý 3/2022.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2021 mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện xe cộ trên cả nước dán thẻ thu phí không dừng (ETC). Trong số này, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%.

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ, trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT triển khai Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1.6.2022.

Tổng cục Đường bộ triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông phân luồng giao thông, xử lý các phương tiện đi sai làn thu phí ETC để khuyến khích các phương tiện dán thẻ. Đồng thời, cần đôn đốc các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ dán thẻ bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tuyên truyền, tổ chức dán thẻ định danh cho phương tiện tại các trạm đăng kiểm; đồng bộ, chia sẻ dữ liệu các phương tiện với Tổng cục Đường bộ và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1.6.2022.

Bộ GTVT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng rà soát, khắc phục triệt để tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông; các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng các điểm dịch vụ dán thẻ.

Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện tối đa cho nhà cung cấp dịch vụ triển khai công tác dán thẻ tại các trạm thu phí. Đồng thời, lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng các làn thu phí còn lại bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp và hoàn thành trong quý 1/2022.

Lam Thanh