Du lịch Việt sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:36, 09/04/2022
Ngày 9.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 14.
Việc tiêm chủng chưa đạt mục tiêu
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới sau một thời gian tăng cao khi tiến hành các biện pháp mở cửa, đến cuối tháng 3 đã bắt đầu giảm mạnh, trong khi tỷ lệ và số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng nhận định, việc tiêm chủng vắc xin chưa đạt hoàn toàn mục tiêu đề ra.
Theo Bộ Y tế, đến hết quý 1/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết ngày 31.3 đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do.
Với các nguồn vắc xin viện trợ và mua, việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý 2/2022. Theo Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 53 quốc gia có kế hoạch/triển khai tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Các ý kiến cũng cho thấy những hoạt động mở lại du lịch đang diễn ra mạnh mẽ. Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, theo thống kê, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.
"Dư luận thế giới đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực", ông Bình nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, yên tâm mở cửa lại trường học, du lịch phù hợp với tình hình. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng công tác phòng chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập phải cương quyết khắc phục trong thời gian tới. Tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo. Còn lúng túng, bị động trong việc điều trị tại nhà, một số hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất. Nguồn nhân lực thiếu hụt khi tình hình diễn biến phức tạp ở một số địa phương…
“Nguyên nhân là có nơi, có lúc, có người còn chủ quan, lơ là với phòng chống dịch. Một số ban chỉ đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt khi tình hình có thay đổi. Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn có bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả”, Thủ tướng nhận xét.
Đẩy mạnh hơn việc tiêm vắc xin
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn…
Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 - 17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi trong quý 2, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới; tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao…
“Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm về chuyên môn, khoa học. "Không để bị động, bất ngờ về vắc xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế. Bộ Tài chính bảo đảm bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi nói chung và thuộc chương trình phòng chống dịch nói riêng…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật; thời gian tới, cần quan tâm việc hướng dẫn, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí an toàn; phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch (trong nước và quốc tế) để bảo đảm dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn; phối hợp với các cơ quan rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 31 an toàn, hiệu quả, thành công.
Đồng thời Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục mở các luồng xanh cho hàng hóa qua biên giới thuận lợi, thông thoáng, nhất là biên giới với Trung Quốc. Các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương của các nước láng giềng để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa…