Sau than, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga?
Quốc tế - Ngày đăng : 10:47, 10/04/2022
Tất cả mọi loại than sẽ bị cấm, ảnh hưởng đến khoảng 8,7 tỉ USD xuất khẩu của Nga mỗi năm. Lệnh cấm chuẩn bị có hiệu lực hoàn toàn từ tuần thứ hai của tháng 8 nhưng từ ngày 8.4 đã không có hợp đồng mới nào được ký kết.
Đây là lệnh cấm đầu tiên mà EU nhắm vào hoạt động nhập khẩu năng lượng Nga, tuy nhiên Ukraine cho rằng làm vậy vẫn chưa đủ. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngay sau đó nhắc lại lời kêu gọi cấm vận cả dầu mỏ nhập từ Nga.
Khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu và khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra, khối đã nhập khoảng 38 tỉ USD sản phẩm năng lượng của Nga.
Than luôn là mục tiêu dễ nhắm đến: gần một nửa lượng than châu Âu nhập khẩu là từ Nga, nhưng nhu cầu than đang giảm dần và nguồn cung nhiên liệu khác sẵn sàng thay thế.
Khả năng cấm vận dầu mỏ
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới chỉ sau Ả Rập Saudi, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu năm 2021. Trước khi xung đột nổ ra, điểm đến của gần 2/3 lượng dầu Nga xuất đi là châu Âu.
Châu Âu vào tháng trước đặt mục tiêu năm 2027 chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga, mặc dù vậy kế hoạch cấm vận dầu mỏ hiện đang được cân nhắc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng ta nay đã cấm vận than, nhưng ngay bây giờ phải xem xét đến dầu mỏ”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên công khai ủng hộ cấm vận dầu mỏ Nga. Phát biểu với một đài truyền hình Pháp đầu tuần qua, ông kêu gọi châu Âu không thể bỏ qua tội ác chiến tranh mà Nga thực hiện ở thị trấn Bucha của Ukraine (mặc dù chưa hề có cuộc điều tra độc lập nào để xác minh thông tin quân Nga sát hại dân thường tại đây).
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 8.4 nói với đài CNN: “Chúng tôi sẵn sàng đi xa hơn và đưa ra quyết định về lệnh cấm dầu mỏ. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng bước đi cũng như nội dung thảo luận tiếp theo sẽ tập trung vào vấn đề cấm vận dầu Nga”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8.4 cũng tuyên bố nước này có thể ngừng nhập khẩu dầu Nga ngay trong năm 2022. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Anh Boris Johnson, nhà lãnh đạo Đức cho biết: “Chúng tôi đang tích cực làm việc để chấm dứt nhập khẩu dầu Nga. Chúng tôi nghĩ rằng có khả năng đạt được điều đó trong năm nay. Nhập khí đốt cần nhiều thời gian hơn”.
Nội dung chi tiết về kế hoạch cấm vận dầu mỏ có thể được đưa ra vào ngày 11.4 tới khi Ngoại trưởng các nước EU gặp nhau thảo luận. Thuyết phục tất cả thành viên đồng ý sẽ rất khó khi mỗi nước phụ thuộc dầu Nga ở mức độ khác nhau.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban có thể từ chối bất kỳ đề xuất nào: “Mặc dù lên án cuộc tấn công của Nga và cả chiến tranh, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép việc các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc chiến. Trừng phạt không được mở rộng đến dầu khí”.
Châu Âu liệu có chịu được nếu cấm vận dầu Nga?
Hiện tại khó có khả năng một lệnh trừng phạt khí đốt tự nhiên được ban hành vì châu Âu khó lòng chịu được thiệt hại kinh tế mà nó mang lại. Tuy nhiên họ có thể chịu được một lệnh cấm nhận dầu mỏ.
Mỹ, Anh, Canada, Úc đều đã cấm nhập khẩu dầu Nga. Các ngân hàng, thương nhân, hãng tàu và công ty bảo hiểm cũng vì lo ngại vi phạm trừng phạt mà tránh xa dầu Nga. Một số công ty dầu khí châu Âu gồm Shell, TotalEnergies và Neste đều đã ngừng mua dầu thô hoặc sẽ làm vậy vào cuối năm 2022.
Thời gian gần đây các nước giàu tuyên bố giải phóng kho dự trữ dầu để giúp hạ giá và bù đắp nguồn cung từ Nga. Mỹ tuyên bố giải phóng 180 triệu thùng, một số thành viên khác của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hưởng ứng bằng cách giải phóng 60 triệu thùng.
Theo chuyên gia Claudio Galimberti thuộc công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy, tác động của cấm vận dầu mỏ phù thuộc vào khả năng Nga chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á.
“Nếu họ có thể xoay sở chuyển hướng xuất khẩu từ châu Âu sang châu Á thì tác động sẽ không lớn. Nếu không, cấm vận dầu mỏ sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga vì họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu”, chuyên gia Galimberti cho biết.