Tranh luận về vũ khí cung cấp cho Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 17:08, 10/04/2022

Ukraine nhiều lần bày tỏ mong muốn nhận được lượng lớn vũ khí hạng nặng - cụ thể là xe tăng, đạn dược từ châu Âu và Mỹ.

Thông điệp được phát đi rộng rãi bởi Tổng thống Volodymyr Zelensky ngay từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tấn công Ukraine, cho đến tuần trước, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh điều này với các nhà lãnh đạo NATO ở Brussels. 

Nhưng tại Mỹ và châu Âu thì tranh luận về loại vũ khí cung cấp cho Ukraine lại rất khác biệt.

Hiện đang là thời điểm quan trọng của cuộc chiến, chiến trường thay đổi thì vũ khí mà Ukraine cần cũng thay đổi. Nỗi lo thủ đô Kyiv của Ukraine thất thủ chỉ trong vài ngày đã không còn, quân Nga tái sắp xếp lực lượng đến miền đông Ukraine chuẩn bị cho một cuộc đối đầu toàn diện trên địa hình bằng phẳng rộng rãi giữa bộ binh, thiết giáp và pháo binh – điều kiện khó khăn với quân Ukraine vốn thua kém về số lượng lẫn khí tài.

Ngày 9.4, Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ sang thăm Ukraine để gặp Tổng thống Zelensky. Ông thông báo cung cấp thêm 120 xe bọc thép cùng tên lửa chống hạm.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo cuộc chiến tại Ukraine có thể bước vào giai đoạn kéo dài – hàng tháng hoặc lâu hơn. Ngoại trưởng Kuleba nhận định tình hình sẽ giống như Thế chiến thứ 2 lúc hai lực lượng quân đội lớn đối đầu nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov phát biểu trong một video công bố ngày 7.4: “Để chiến thắng một cuộc chiến như vậy chúng tôi cần sự giúp đỡ khác với những gì nhận được trước đây. Chúng tôi muốn giải phóng những vùng lãnh thổ bị kẻ thù chiếm đóng - càng sớm càng tốt. Muốn làm được điều này Ukraine cần vũ khí khác”.

Thời gian đầu xung đột, các nước NATO lo ngại vũ khí họ cung cấp cho Ukraine nhanh chóng rơi vào tay quân Nga, quân đội Ukraine không có đủ thời gian huấn luyện để sử dụng vũ khí mới một cách hiệu quả, hay gửi vũ khí tấn công sẽ làm chiến sự leo thang.

Nhưng khi cuộc chiến kéo dài thì loạt lo ngại trên dần giảm bớt. Giờ đây một số nước NATO đang chuẩn bị cung cấp vũ khí bọc thép hạng nặng tiên tiến có tính sát thương cao và tầm bắn xa hơn. Vấn đề là liệu vũ khí có được giao đến đủ nhanh như giới chức Ukraine mong muốn hay không.

aaw2gv8.jpg
Binh sĩ Ukraine tập sử dụng hệ thống vũ khí vác vai Carl Gustaf M4 do Thụy Điển cung cấp - Ảnh: AP

Ukraine cần vũ khí gì?

Từ lúc xung đột nổ ra, phương Tây đã cung cấp số vũ khí trị giá hàng tỉ USD - trong đó có hàng nghìn hệ thống tên lửa vác vai dễ sử dụng - cho các nhóm biệt kích nhỏ của Ukraine, giúp họ làm chậm, ngăn chặn và đảo ngược đà tiến công của quân Nga.

Giờ đây cuộc chiến chuyển hướng sang miền đông Ukraine, số lượng lẫn chủng loại vũ khí mà phương Tây cung cấp một lần nữa đóng vai trò quan trọng. Quân đội Ukraine cần nhanh chóng tái lập, thay thế trang thiết bị thiệt hại hơn 1 tháng qua, bổ sung lực lượng chiến đấu.

Theo học giả Michael Kofman – chuyên gia nghiên cứu Nga thuộc tổ chức CNA, hiện tại chỉ có tên lửa chống tăng là không đủ. Ukraine cần thêm hàng trăm phương tiện chiến đấu bọc thép (gồm cả xe tăng) và lượng lớn đạn dược.

Bộ trưởng Reznikov đưa ra một danh sách dài: hệ thống phòng không cùng chiến đấu cơ để bảo vệ người dân Ukraine khỏi tên lửa và không kích, pháo tầm xa tấn công quân Nga, xe tăng cùng xe bọc thép xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga và giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, tên lửa chống hạm để phá thế bao vây của hải quân Nga giải phóng các cảng trên Biển Đen.

Phương Tây trước đây ngần ngại gửi vũ khí hạng nặng như trên, nhưng Cộng hòa Czech vừa trở thành nước NATO đầu tiên cung cấp xe tăng. Học giả William Alberque thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) hy vọng điều này sẽ khởi động một cuộc chạy đua xem ai cấp vũ khí cho Ukraine nhiều hơn.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Lithuania Margiris Abukevicius – người vừa có mặt ở Washington vào tuần trước để thảo luận về hợp tác quân sự với Mỹ: “Rất khó để làm quốc gia đầu tiên gửi xe tăng. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi có quốc gia làm trước”.

aaw2n2d.jpg
Ukraine cần thêm xe tăng - Ảnh: The Washington Post

Ukraine có thể dùng vũ khí gì?

Ở giai đoạn đầu của xung đột, phương Tây tập trung cung cấp vũ khí Ukraine đã biết cách sử dụng hoặc chỉ cần huấn luyện đơn giản là có thể sử dụng. Ví dụ, một người lính chỉ cần xem một đoạn video ngắn là học được cách bắn tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp. Một số nước Trung và Đông Âu sở hữu vũ khí thời Liên Xô cũng có thể chuyển giao chúng.

Nhưng năng lực của quân đội Ukraine được chứng minh qua cuộc chiến cũng như thời gian họ được huấn luyện khí tài phương Tây phức tạp khiến giới chức quân sự phương Tây suy nghĩ lại số lượng lẫn chủng loại vũ khí có thể cung cấp.

Tại cuộc họp NATO tuần qua, trọng tâm thảo luận là sớm trang bị cho Ukraine hệ thống vũ khí tiên tiến hơn. Một quan chức giấu tên cho biết: “Các nước cho biết họ sẵn sàng tiến xa hơn, bởi vì chúng tôi nhận ra rằng đây là một đợt tấn công mới. Lực lượng Nga tập trung nhiều hơn nên đòi hỏi nhiều vũ khí tiên tiến hơn”.

Trong chuyến thăm ngày 9.4, Thủ tướng Johnson cam kết cung cấp 120 xe bọc thép Mastiffs cùng vũ khí chống hạm. Quân đội Anh hỗ trợ huấn luyện sử dụng.

Phía Mỹ cũng tuyên bố cấp tên lửa dẫn đường bằng laser, máy bay không người lái Puma và xe bọc thép đa năng cơ động cao.

Với xe tăng cùng hệ thống phòng không, ưu tiên vẫn là hệ thống vũ khí cũ.

Các nước Trung Âu sở hữu xe tăng T-72 (thậm chí T-640) thời Liên Xô, Ukraine đều biết cách sử dụng và sửa chữa chúng. Mỹ đã đồng ý cấp khí tài mới hơn nếu họ bàn giao trang thiết bị cũ cho Ukraine.

Hôm 8.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấp hệ thống phòng thủ Patriot cho Slovakia, sau khi nước này chuyển hệ thống S-300 đến Ukraine.

Nguy cơ làm leo thang căng thẳng

Đây là vấn đề vẫn đang gây chia rẽ trong NATO. Phía Ukraine nói rằng việc tranh luận vũ khí gửi đến là “tấn công” hay “phòng thủ”, có làm leo thang căng thẳng hay không chẳng còn quan trọng nữa khi quân Nga bắn phá nhiều thành thị và sát hại dân thường.

Cuộc họp NATO tuần qua đã không còn bàn đến chuyện phân biệt vũ khí “tấn công” hay “phòng thủ” nữa. Tuy nhiên thái độ e ngại vẫn còn, Nga từng tuyên bố xem các chuyến hàng vũ khí NATO gửi sang Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp và có khả năng khiến Nga - NATO đối đầu trực tiếp.

Ngoài ra, cung cấp vũ khí tầm xa đem đến rủi ro xung đột vượt qua khỏi phạm vi lãnh thổ Ukraine. Đức đã nhận ra sự cần thiết phải gửi vũ khí gây sát thương nhưng họ vẫn còn chần chừ. NATO cũng nhất trí không gửi chiến đấu cơ.

Tốc độ cung cấp vũ khí cũng là vấn đề Ukraine không hài lòng. Tướng Mỹ về hưu Ben Hodges - cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu giai đoạn 2014 đến 2017 - nhận định khó có khả năng Ukraine được trang bị kịp lúc xung đột bước vào giai đoạn mới.

Ukraine đã rất thất vọng với tốc độ cung cấp vũ khí. Bộ trưởng Reznikov tuần qua cảnh báo rằng việc trì hoãn cung cấp khí tài sẽ dẫn đến cái chết của thế hệ con cháu, đẩy Ukraine vào suy kiệt.

Cẩm Bình