Phong tỏa kéo dài thúc đẩy tâm lý mua đồ tích trữ ở Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 09:26, 11/04/2022
Trong tuần qua, nhiều hướng dẫn về cách sinh tồn đã được xuất bản bởi các phương tiện truyền thông và các blogger tại Trung Quốc. Chúng bao gồm một trang web y tế nổi tiếng có tên là Doctor Clove, đã công bố danh sách những vật dụng mà mọi người sẽ cần nếu họ đột ngột bị cách ly và lời khuyên về việc lưu trữ thực phẩm trong thời gian dài.
Hôm 10.4, một chủ đề thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội Weibo mang tên: "Tôi nên chuẩn bị những vật dụng gì trong trường hợp bất ngờ nhận được thông báo phong tỏa?", đã thu hút hơn 41 triệu lượt xem với 14.000 bình luận.
Một bài đăng khác được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc khuyến cáo các hộ gia đình nên tích trữ các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước uống, sản phẩm vệ sinh phụ nữ và giấy vệ sinh.
Thậm chí một blogger đã thành lập một nhóm sinh tồn, bán các khóa học về cách sống sót trong thảm họa với giá 299 nhân dân tệ (47 USD).
Mối quan tâm này càng được thúc đẩy bởi các báo cáo về tình trạng thiếu lương thực ở Thượng Hải, khi thành phố có hơn 25 triệu dân bước vào đợt phong tỏa kéo dài hơn 1 tuần qua.
Người dân Thượng Hải cho biết các kênh đặt hàng tạp hóa trực tuyến hầu hết đều hết hàng và việc phân phối thực phẩm cũng vô cùng chậm trễ. Một số người dân đã phải vận dụng tới phương thức hàng đổi hàng với nhau, như đổi cam để lấy muối. Họ phải lén đổi thực phẩm vào ban đêm để tránh bị giới chức phát hiện ra khỏi nhà do thành phố đang bị phong tỏa hoàn toàn. Nếu bị phát hiện, họ sẽ phải chịu những hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Thượng Hải đã báo cáo có 1.006 ca nhiễm có triệu chứng và 23.937 nhiễm không triệu chứng vào ngày 10.4. Trên toàn quốc, Trung Quốc ghi nhận 1.318 ca nhiễm có triệu chứng và 25.037 ca nhiễm không triệu chứng.
Helena Zhang, một người dân Bắc Kinh, đã mua gần 20kg cà chua, khoai tây, đậu lăng và xoài trong tuần qua, song cô vẫn lo lắng rằng số thực phẩm này vẫn không đủ. Cô dự kiến sẽ mua thêm gạo, bột mì và các nhu yếu phẩm khác.
Zhang cho biết một số bạn bè của cô thấy không cần thiết phải tích trữ thực phẩm và tin rằng chính phủ có thể bảo đảm đủ nguồn cung cấp thực phẩm, nhưng những gì xảy ra ở Thượng Hải khiến cô càng nghi ngờ về điều đó.
Ở miền nam Trung Quốc, nơi ít có văn hóa dự trữ thực phẩm, cũng đã có báo cáo về tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Hôm 10.4, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã ghi nhận 10 ca nhiễm có triệu chứng và 1 ca nhiễm không triệu chứng. Trước đó, vào ngày 9.4, thành phố này đã công bố thực hiện một cuộc xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố trong vòng 1 ngày với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bắc Kinh cũng áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron tới thủ đô. Quy định kiểm dịch đối với các khu dân cư ở Bắc Kinh được siết chặt hơn, nhiều đối tượng trong đó có học sinh và những người ở viện dưỡng lão sẽ phải xét nghiệm thường xuyên.
Hiện tại, người dân Trung Quốc đang chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát dưới những biện pháp chống dịch chặt chẽ, song họ vẫn chuẩn bị tâm lý cho những điều tồi tệ nhất.
Zhang nói: "Khi tôi dự trữ thực phẩm, tôi cũng xem xét thời tiết. Khoai tây có thể để được lâu trong thời tiết của Bắc Kinh, cà rốt cũng vậy. Kể cả khi tồi tệ nhất, tôi vẫn có vô số bột mì, tôi có thể làm bánh và ăn với đậu phụ ngâm chua".