Hà Nội: Trẻ mầm non được đi học nhưng nhiều trường vẫn thiếu giáo viên trầm trọng
Giáo dục - Ngày đăng : 16:21, 12/04/2022
2 năm nghỉ dịch, đỏ mắt tìm giáo viên
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn bộ trẻ mầm non trên địa bàn thủ đô sẽ được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13.4, đây là thông tin khá vui với các cha mẹ cũng như học sinh. Tuy nhiên, vui mừng là thế nhưng cũng không ít nỗi lo và sự buồn rầu của chính phụ huynh cũng như chủ những trường mầm non tư thục.
Ngay sau khi Sở GD-ĐT cho phép các trường mầm non được hoạt động trở lại, nhiều đơn vị trường mầm non tư thục đã đăng lên các hội nhóm để tìm giáo viên mầm non quay trở lại trường dạy học với mức lương từ 7 - 8 triệu/tháng. Tuy nhiên, đăng tuyển là vậy nhưng số lượng người ứng tuyển rất ít, thậm chí có những người ứng tuyển nhưng không hề có bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Trường mầm non Bé Ngoan (P.Mễ Trì Thượng, Q.Nam Từ Liêm) cho biết: "Nghỉ dịch khá lâu nên toàn bộ các trang thiết bị học tập của các học sinh lần này đều phải mua lại gần hết, đồ chơi, đồ dùng của các con cũng phải sửa sang lại, thậm chí là hỏng hóc, hoen rỉ hết cả. Đó chỉ mới là cơ sở vật chất, còn giáo viên thì bình thường trường chúng tôi có tới 15 - 20 giáo viên dạy các lớp mầm chồi lá... tuy nhiên sau đợt nghỉ dịch dài ngày các cô giáo mầm non cũng đã không theo nghề nữa mà chuyển sang đi bán bảo hiểm hoặc mở cửa hàng phụ giúp gia đình, đi làm thêm... Tôi có gọi điện cho một vài giáo viên để mời các cô quay lại trường nhưng cũng chỉ được ít người, còn lại phải tuyển dụng mới bởi hầu như các giáo viên cũ đều đang theo công việc khác".
Cũng như Trường mầm non Bé Ngoan, tại Trường mầm non Smiler (Q.Cầu Giấy), chị Nguyễn Thùy Dung hiệu trưởng cho biết sau khi nghỉ dịch được 2 - 3 tháng, nhà trường đã không đủ kinh phí để tiếp tục thuê địa điểm nữa nên đã bán thanh lý toàn bộ đồ dùng và dừng không hoạt động lại. "Giờ hoạt động lại, việc đi thuê địa điểm mới rất khó khăn, thêm nữa tuyển dụng các giáo viên có tâm chăm sóc trẻ, có nghiệp vụ là điều không dễ dàng. Việc nghỉ dịch quá lâu dẫn đến tình trạng các giáo viên đã đổi nghề hoặc đã đi tìm công việc khác để mưu sinh. Dù họ có quay lại dạy đi chăng nữa thì guồng quay chăm sóc và đón trẻ như trước đây cũng khó khăn với họ sau thời gian dài không dạy học".
Trường mầm non Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy) khi mở cửa trở lại, trường phải đăng thông báo tuyển sinh để các cháu có thể đến trường học, kể cả đối với trẻ chưa tròn 3 tuổi. "Trường công lập chỉ hơn trường tư thục việc có kinh phí luôn để hoạt động chứ thực ra thiếu giáo viên là tình trạng chung đang diễn ra trong khoảng thời gian này. Giờ đăng tuyển dụng giáo viên, tìm đỏ mắt tới cả tuần chỉ có lác đác 3 - 4 hồ sơ nộp, đến để phỏng vấn, còn lựa chọn được hay không thì... hên xui", một giáo viên cho hay.
Nguy cơ trẻ thiếu trường học sau dịch
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau gần 2 năm tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều trường mầm non, đặc biệt các trường mầm non tư thục đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn, các giáo viên không có việc làm phải chuyển đổi sang công việc khác. Khi Sở GD-ĐT cho phép đón trẻ trở lại trường học thì các giáo viên không còn quá mặn mà với mức lương khá ít ỏi mà công việc chăm trẻ mầm non lại rất vất vả. Nhiều trường mầm non đã phải hạ chỉ tiêu tuyển giáo viên xuống, như không còn yêu cầu bằng cấp đúng chuyên môn, không cần yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm, mà chỉ để dòng chữ "biết yêu trẻ".
Lo lắng tìm chỗ học cho con, anh Thành Chung (P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm) cho biết trước đây con anh đang theo học tại một trường mầm non gần nhà, nhưng do dịch bệnh thì trường đã đóng cửa. "Giờ gia đình mình đang khá vất vả tìm trường cho con, với tiêu chí gần nhà thì chắc chắn không có nhiều trường lựa chọn nhưng đưa con đi học xa thì cha mẹ vất vả, lại thêm giờ đây chỉ còn các trường công lập và trường quốc tế. Việc đưa con vào các trường đó học cũng chưa phù hợp vì công lập đón trẻ gần 3 tuổi, mà cháu thì mới chỉ hơn 1 tuổi, còn theo học trường quốc tế thì gia đình không đủ khả năng".
Cũng như anh Chung, gia đình anh chị Văn Anh - Thu Quỳnh (Q.Hoàng Mai) cho biết anh chị có 2 con đều đang ở độ tuổi đi học mầm non. "Tuy nhiên giờ trường cũng đã đóng cửa và không tuyển sinh lại, nếu gửi được đứa lớn vào trường công lập thì gia đình tôi không có hộ khẩu vì đi làm thuê ở Hà Nội. Còn nếu cả hai đứa đều học tại trường dân lập thì không đủ tiền và trường xa hơn so với trường cũ. Giờ đúng là tìm trường cho con học chả khác gì "mò kim đáy bể".
Theo bà Đường Thị Lệ - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, hiện toàn quận có 73 trường mầm non, khoảng 270 nhóm lớp mầm non tư thục. Tuy nhiên số lượng trường tư thục hiện nay mở là rất ít, nên nguy cơ trẻ em bị thiếu trường học, trường thiếu giáo viên là thực tế đã và đang diễn ra. Chưa kể thời gian nghỉ dịch quá lâu, khi trẻ đi học các giáo viên cần phải có sự tương tác tốt. "Các giáo viên cũ thì không sao, chứ giáo viên mới phải được đào tạo lại rất mất thời gian, chưa có hiệu quả cao trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ lúc này".
Thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ tháng 5 - 12.2021, cả nước có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể. Hà Nội hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, rao bán, nhiều người lao động phải chuyển việc do ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non trên cả nước không có chỗ học. “Đây là một con số không nhỏ”, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã từng thông tin.