Hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:57, 12/04/2022
Ngày 12.4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội giữa Bộ với 04 cơ quan: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất với Đảng, Nhà nước, trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; kịp thời tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, phục hồi nhanh và ổn định thị trường lao động; chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp và chính sách phục hồi và đảm bảo an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, do tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài, một bộ phận doanh nghiệp và người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong công việc và đời sống. Do nhu cầu trang trải cuộc sống trước mắt, do tác động, lôi kéo của một số đối tượng dẫn đến một bộ phận người lao động đã chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 5 cơ quan thống nhất phối hợp triển khai thực hiện và đánh giá kết quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, nhất là tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời tập trung phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào 2025 và đạt 60% năm 2030.
Song song với đó, triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, chính xác, trong đó tập trung phổ biến để người lao động nắm rõ chính sách và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện thông qua các cấp công đoàn; tuyên truyền cho các doanh nghiệp về chính sách và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định danh sách doanh nghiệp thuộc phạm vi thực hiện chính sách; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động ở thuê, ở trọ tạo thuận lợi người sử dụng lao động, người lao động trong việc tiếp cận chính sách.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục hồi và ổn định thị trường lao động; nghiên cứu, tổng kết mô hình "Chi lương linh hoạt" để tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động…
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn lực, nhân lực tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội.
“Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và bền vững cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.
Đồng thời, các bên cũng thống nhất đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tham mưu các cơ quan chức năng và các địa phương xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng để trục lợi về lĩnh vực này.