Chủ tịch nước: Khu NNCNC sẽ góp phần thay đổi nông nghiệp TP.HCM và nền nông nghiệp Việt Nam
Sự kiện - Ngày đăng : 18:01, 12/04/2022
Báo cáo với đoàn công tác, Trưởng ban Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM Phạm Đình Dũng cho biết, trong giai đoạn 2010-2021, Khu NNCNC TP.HCM đã triển khai hơn 408 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ươm tạo công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh, TP và cấp Bộ. Nội dung nghiên cứu tập trung vào các nhóm đối tượng chính về giống rau, hoa, cá cảnh, cây dược liệu, nấm ăn và nấm dược liệu và chế phẩm sinh học phục vụ cho lĩnh vực canh tác cây trồng và nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, hoàn thiện hơn 100 quy trình kỹ thuật, sẵn sàng để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức cá nhân có nhu cầu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong Khu NNCNC TP còn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học ngay tại đơn vị về sản xuất các giống rau, hoa, nấm; quy trình canh tác rau, hoa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Khu NNCNC TP.HCM đã tư vấn và hỗ trợ cho hơn 2.000 tổ chức, cá nhân quan tâm đến chương trình ươm tạo doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đến cuối năm 2021, có tổng cộng 55 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo trong đó có 7 doanh nghiệp ở giai đoạn tiền ươm tạo, 21 doanh nghiệp giai đoạn ươm tạo chính thức, 27 doanh nghiệp tốt nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, nấm và sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến nông sản. Tỷ lệ doanh nghiệp tốt nghiệp chương trình ươm tạo thành công đạt hơn 60% trên tổng số doanh nghiệp tham gia ươm tạo.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác giữa Ban Quản lý Khu NNCNC TP với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP như triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (mô hình ứng dụng IoT trong nuôi tôm, mô hình kỹ thuật trồng dưa lưới, mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc, mô hình trồng ớt, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu, mô hình aquaponic...) tại 3 huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ) nhằm giới thiệu, lan tỏa công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp tới các tổ chức, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM.
Về định hướng phát triển khu NNCNC TP giai đoạn 2021-2030, ông Phạm Đình Dũng cho biết, Khu NNCNC TP phấn đấu trở thành nơi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, phát triển Khu NNCNC TP thành nơi nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất NNCNC một cách toàn diện nhằm dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của TP.HCM và khu vực theo hướng hiện đại, phục vụ sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao, tạo động lực lan tỏa công nghệ, tư duy làm nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững hơn, góp phần phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ của TP, trên cả nước, sánh ngang với các nước trong khu và trên thế giới.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hình thành khu NNCNC đa chức năng
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước các thành quả Khu NNCNC TP.HCM đã làm nên trong thời gian qua, nhất là thành quả trong sản xuất giống cây, giống con, đặc biệt là cây thực phẩm, cây hoa tươi đưa vào sản xuất. Khu NNCNC TP.HCM đã góp phần đóng vai trò đưa nông nghiệp của TP.HCM và miền Đông Nam bộ có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng. “Bước đầu Khu NNCNC TP.HCM đã đi tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, khắc phục tính mùa vụ, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu và đây cũng là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam.
Đồng thời sứ mệnh của Khu NNCNC TP.HCM không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy NNCNC của TP.HCM, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ theo hướng chất lượng, giá trị, thân thiện môi trường.” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, sứ mệnh này rất lớn lao chứ không phải chỉ trong khu vực những nhà kính, trong phạm vi nhỏ hẹp. Dù nông nghiệp ở TP.HCM chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong GRDP của TP nhưng ở một tầm xa hơn, Khu NNCNC TP.HCM là một trong 10 khu NNCNC của cả nước, mang tính dẫn đầu của cả nước. Vì thế, sứ mệnh của Khu NNCNC TP.HCM cần rõ nét hơn với các hoạt động cụ thể hơn.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu Thành ủy, UBND TP.HCM và Ban Quản lý Khu NNCNC TP.HCM chủ động hơn trong việc huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn xã hội hóa để phát triển nông nghiệp TP theo hướng hiện đại. Nghiên cứu hình thành các mô hình NNCNC bằng cơ chế hấp dẫn, thu hút mọi thành phần tham gia. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất để phát triển khu NNCNC, hình thành khu NNCNC đa chức năng, phát triển du lịch NNCNC; nhân rộng mô hình NNCNC ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đề nghị Khu NNCNC TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị; đào tạo ra nhiều nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực NNCNC; đồng thời, cần tham mưu chính sách phát triển NNCNC, nhất là đối với các sản phẩm mới, giống mới mà có giá trị cao thì cần có chính sách thế nào, để áp dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng các nghiên cứu NNCNC, đưa các nghiên cứu này vào ứng dụng, phổ cập trong thực tế, tạo hiệu quả trong thực tế. “Cần nghiên cứu để phục vụ người dân. Khi hiệu quả được nhân lên thì giá trị nghiên cứu càng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Đó cũng chính là điều người dân mong muốn. Khu NNCNC TP.HCM phải là nơi dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của TP.HCM và khu vực phát triển theo hướng hiện đại. Những gì bắt đầu từ Khu NNCNC sẽ góp phần thay đổi nông nghiệp TP.HCM và thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.