Thái Bình: Dân chịu ô nhiễm, còn nhà máy xử lý nước thải “đắp chiếu” 3 năm
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:40, 13/04/2022
Xả thải trực tiếp ra môi trường
Người dân cho biết sự ô nhiễm do các doanh nghiệp tẩy nhuộm ở cụm công nghiệp Phương La và 2 lò sấy tư nhân nằm trong thôn Phương La 1 xả thải ra môi trường không qua xử lý.
“Do nước quá ô nhiễm nên dân các làng bên đã đắp dập chặn 2 đầu của đoạn sông Tân Việt (phục vụ tưới tiêu nông nghiệp) làm nước ô nhiễm không thoát được, tràn vào đồng ruộng, ao của người dân. Hậu quả là cá, vịt chết hàng hoạt, ruộng không thể cạnh tác khoảng 90% và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, có hiện tượng rất nhiều người dân mắc bệnh ung thư”, đơn thư nêu rõ.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Thái Phương có trên 100 doanh nghiệp và cơ sở đang sản xuất kinh doanh, chủ yếu là hàng dệt may. Trong đó hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp xã Thái Phương (diện tích 10ha), số còn lại hoạt động tại làng nghề Phương La, với hơn chục doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nấu, giặt, tẩy, nhuộm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn Phương La 3 cho biết hầu hết các cơ sở sản xuất, tẩy nhuộm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra các sông Đồng Buộm, Tân Việt, Bút Mực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại xã Thái Phương và các xã phụ cận như Minh Tân, Kim Trung, Văn Lang trong suốt hơn 10 năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Triều, người dân thôn Phương La 1 cũng cho hay, vì lo ngại trước tình trạng ô nhiễm với những chất thải độc hại chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường của làng nghề Phương La, người dân các xã xung quanh đã đắp đập ngăn dòng nước không cho chảy vào địa phận của xã.
“Do không còn đường thoát, nước thải tràn lên cánh đồng, nhất là vào mùa mưa, cả một vùng bị ngập úng, người dân Phương La như bị cô lập và bủa vây giữa môi trường đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm trầm trọng hơn. Dòng sông, dòng kênh ở xã Thái Phương giờ đây đã trở thành dòng sông chết, bởi nước ngày càng đen đặc, bốc mùi hôi thối, không khí ngột ngạt, khó thở, những bọt trắng xóa nổi lềnh bềnh khắp mặt nước nồng nặc mùi thuốc tẩy”, ông Triều nói.
Ông Nguyễn Văn Phương cũng nói tình trạng ô nhiễm ở làng nghề hiện nay rất nghiêm trọng. Cách đây 2 - 3 năm, người dân còn sử dụng nước mưa thay nước giếng khoan, vì nước giếng khoan nổi vẩn vàng đục, không thể sử dụng được, nhưng gần đây nước mưa cũng có hiện tượng nổi váng màu vàng. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân chúng tôi đã sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy trong chương trình nông thôn mới tại địa phương để thay thế nước mưa và nước giếng khoan.
Được biết các cơ sở ở đây đã nhiều lần bị UBND tỉnh, Sở TN-MT Thái Bình xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại phá niêm phong, hoạt động trở lại và tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, khiến dòng sông ngày càng đen đặc, mùi rất khó chịu.
Xây nhà máy xử lý nước thải rồi để đấy
Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại xã Thái Phương (huyện Hưng Hà), ngày 18.9.2013, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng, công suất 800 m3/ngày đêm.
Tháng 11.2018, nhà máy xử xử lý nước thải đã được hoàn thành với kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề nước thải của làng nghề Phương La. Tuy nhiên, kể từ thời điểm hoàn thành đến nay đã hơn 3 năm, nhà máy vẫn chưa được đưa vào hoạt động, các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm ở làng nghề Phương La vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây bức xúc cho người dân.
Ngày 13.12.2018, UBND tỉnh Thái Bình cho phép thực hiện tháo gỡ niêm phong máy móc, thiết bị nấu, giặt, tẩy nhuộm đối với 3 doanh nghiệp (trước đó đã bị niêm phong) tại xã Thái Phương gồm: Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Phương Tiến để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Qua vận hành thử nghiệm kết quả phân tích mẫu nước thải nấu, giặt, tẩy, nhuộm của 3 công ty trên có một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt yêu cầu, còn cao hơn rất nhiều so với thông số đầu vào của dự án.
Ngày 24.4.2019, UBND huyện Hưng Hà đã chỉ đạo và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Hà kiểm tra và đã có văn bản số 49/CV-BQLDA yêu cầu 3 công ty phải tạm dừng hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm từ ngày 25.4.2019. Tiếp đó, ngày 7.5.2019 UBND huyện Hưng Hà lại có văn bản số 322/UB-BQLDA yêu cầu 3 công ty nói trên khẩn trương hoàn thiện và vận hành hạng mục tiền xử lý để đưa chất lượng nước thải phát sinh từ nguồn thải về ngưỡng thiết kế đầu vào của dự án để vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La. Nếu các công ty không thực hiện thì sẽ tiếp tục phải tạm dừng hoạt động.
Đến thời điểm ngày 18.10.2019 các Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Phương Tiến đã hoàn thành xây dựng các hạng mục tiền xử lý tại doanh nghiệp theo yêu cầu thiết kế đầu vào của dự án, báo cáo số 230/BC-UBND của UBND huyện Hưng Hà cho biết.
Tuy nhiên, kể từ tháng 11.2018, thời điểm hoàn thành đến nay nhưng nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đưa vào hoạt động, nên các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm ở làng nghề Phương La vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.
Ông Đinh Đức Cải - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Nam Thành tại làng nghề Phương La bày tỏ: “Chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp có trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp, cố gắng tạo mọi điều kiện để nhà máy xử xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Đây là cách thiết thực nhất để cứu dân, cứu doanh nghiệp”.
“Chúng tôi là người dân, doanh nghiệp trên địa bàn này, chúng tôi chỉ đặt ra câu hỏi tại sao nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến gần 80 tỉ đồng sau hơn 3 năm được khánh thành mà vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi doanh nghiệp thì không được sản xuất”, ông Cải nói.
Ông Trần Sỹ Nhã, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Phương Tiến cũng cho rằng doanh nghiệp mong muốn được đấu nối nước thải từ công ty ra nhà máy xử lý nhằm đảm bảo môi trường, có như vậy công ty mới được vận hành trở lại. Nếu không được đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, có nguy cơ khiến doanh nghiệp dẫn đến phá sản.