Sàn giao dịch tiền mã hóa liên kết với Belarus ngừng giao dịch cho người Nga

Thế giới số - Ngày đăng : 19:45, 13/04/2022

Currency.com, nền tảng tiền mã hóa được liên kết với Belarus, thông báo sẽ ngừng các dịch vụ của mình với người dùng Nga sau cuộc tấn công Ukraine từ ngày 24.2.

"Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã gây bạo lực và rối loạn cho người dân Ukraine. Chúng tôi lên án hành động của Nga bằng những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể. Chúng tôi sát cánh với Ukraine và tất cả những ai lên án cuộc chiến khủng khiếp này. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi không thể tiếp tục phục vụ khách hàng từ Nga", trích tuyên bố từ Currency.com.

Currency.com được đăng ký lần đầu tiên tại thủ đô Minsk của Belarus vào tháng 9.2018, nhưng sau đó đã chuyển trụ sở chính đến Gibraltar. Tuy nhiên, nó vẫn là công ty trách nhiệm hữu hạn Belarus, được thành lập theo ý nghĩa của nghị định năm 2017 của các quốc gia về phát triển kỹ thuật số.

san-giao-dich-tien-ma-hoa-lien-ket-voi-belarus-ngung-giao-dich-cho-nguoi-nga1.jpg
Currency.com tạm dừng hoạt động với cư dân Liên bang Nga. Khách hàng từ các quốc gia và khu vực khác sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định này

Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế nghiêm ngặt với Nga cũng như Belarus. Belarus bị nhiều nước coi là hỗ trợ Nga trong cuộc tấn công Ukraine vì cho phép Nga sử dụng lãnh thổ một cách chiến lược.

Hôm 8.4, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga và Belarus, trong khi Liên minh châu Âu (EU) chặn lối vào các nước thuộc khối này của các phương tiện đã đăng ký ở Nga và Belarus.

Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết hôm 9.4: "Giờ đây, các phương tiện vận tải quốc tế có biển số đăng ký của Nga và Belarus sẽ không thể vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ của các nước EU".

EU đã đưa ra một ngoại lệ với các phương tiện vận chuyển dược phẩm, thực phẩm, nông sản, năng lượng, phân bón và kim loại màu. EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng và phân bón từ Nga.

Đến nay, hầu hết sàn giao dịch tiền mã hóa lớn đều miễn cưỡng khi đưa ra bất kỳ lệnh cấm hoàn toàn nào với người dùng Nga.

"Một số người Nga bình thường đang sử dụng tiền mã hóa như vị cứu tinh khi đồng tiền của họ sụp đổ. Nhiều người trong số họ cũng có thể phản đối những gì Nga đang làm và lệnh cấm cũng sẽ gây tổn hại cho họ", Brian Armstrong - Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase (Mỹ) cho biết trong loạt các tweet vào tháng trước.

Điều này lặp lại quan điểm của các nhà lãnh đạo sàn giao dịch lớn của Mỹ khác như Jesse Powell từ Kraken và Changpeng Zhao từ Binance. Cách đây vài tuần, Changpeng Zhao cho biết ý tưởng hạn chế người dùng Nga là không thực tế.

Kể từ đó, cuộc chiến ngày càng leo thang cùng báo cáo về những hành động tàn bạo với dân thường Ukraine khiến các chính phủ phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng tập trung vào việc xem xét Nga sử dụng tiền mã hóa để tránh các lệnh trừng phạt hoặc những ảnh hưởng tồi tệ nhất của chúng. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Wally Adeyemo đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc cho các sàn giao dịch vào tháng trước.

Wally Adeyemo nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3: “Điều chúng tôi muốn làm rõ ràng với các sàn giao dịch tiền mã hóa, các tổ chức tài chính, các cá nhân, với bất kỳ ai có thể giúp Nga lợi dụng và né tránh các lệnh trừng phạt của chúng tôi: Chúng tôi sẽ quy trách nhiệm cho bạn”.

EU nhắm mục tiêu vào các ví tiền mã hóa, ngân hàng, tiền tệ và tài sản tín thác vào gói lệnh trừng phạt Nga thứ 5 nhằm bịt các lỗ hổng tiềm ẩn có thể cho phép người Nga chuyển tiền ra nước ngoài.

Sau cuộc tấn công vào Ukraine của Nga vào ngày 24.2, các sàn giao dịch tiền mã hóa tại EU đã được yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn các giao dịch từ các cá nhân bị nhắm mục tiêu, nhưng có những lo ngại rằng lỗ hổng vẫn còn.

Hôm 8.4, EU cho biết đang mở rộng lệnh cấm gửi tiền vào ví tiền mã hóa. Ủy ban điều hành châu Âu thông báo: "Điều này sẽ góp phần đóng các lỗ hổng tiềm ẩn".

Ví tiền mã hóa là thiết bị, phương tiện vật lý, chương trình hoặc dịch vụ lưu trữ các khóa công cộng, khóa riêng tư và có thể được sử dụng để theo dõi quyền sở hữu, nhận hoặc chi tiêu các loại tiền mã hóa như bitcoin.

EU cũng đang cấm bán tiền giấy và chứng khoán có thể chuyển nhượng, chẳng hạn như cổ phiếu, mệnh giá bằng bất kỳ loại tiền chính thức nào của các nước thành viên EU cho Nga và Belarus. EU cũng xác nhận lệnh cấm giao dịch hoàn toàn với 4 ngân hàng Nga, bao gồm cả VTB, chiếm 23% thị phần trong lĩnh vực ngân hàng Nga.

EU cho biết các ngân hàng này đã bị loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) và giờ đây sẽ bị đóng băng tài sản để cắt hoàn toàn khỏi các thị trường EU.

Ngoài ra còn có lệnh cấm liên quan tài sản tín thác khiến những người Nga giàu có khó cất giữ tài sản của mình ở EU.

Sơn Vân