Thành văn và Bất thành văn

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:57, 14/04/2022

Hổm rày, có một vụ lùm xùm dữ dội liên quan ghê gớm tới tai tiếng một nhân vật của giới Văn học Nghệ thuật. Bằng độ nhạy cảm và kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm nhận nhà thơ Dạ Thảo Phương đã cất lên tiếng nói thành thực trong tâm thế tích cực đóng góp cho sự “đàng hoàng” của xã hội.

Bài viết này thảo luận về sự kiện các tài liệu cô vừa tung ra tố cáo một vụ việc xảy ra đã 23 năm. Xin thảo luận về sự việc chứ không về cá nhân.

Ngoại trừ một vài nhân vật lịch sử huyền thoại mà kiến thức người viết không đủ tầm với tới, có người đàn ông nào không thích phụ nữ? Có người phụ nữ nào không thích đàn ông? Đâu có dễ thoát khỏi cái khuôn đúc của chọn lọc sinh sản, một phần rất quan trọng của chọn lọc tự nhiên, được tạo hoá hình thành qua hàng trăm triệu năm? Nói hàng trăm triệu năm là bởi vì cơ chế chọn lọc này đã hoạt động từ tạo thiên lập địa, từ rất xa trước khi loài người tinh khôn (Homo sapiens) được hình thành, từ trước cả khi các nhóm chim, côn trùng tách nhánh…

Mấy trăm năm một chữ tình

Dưới trời ai kẻ lọt vành hóa nhi

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Chữ Tình đi tới cùng đường chính là đàn ông và đàn bà thích nhau. Thích nhau thì tự nhiên muốn gặp nhau, đụng nhau, hôn nhau và nhiều cái nhau khác nữa. Mấy cái chuyện ấy thường tình, rất thường tình…

Vì thường tình quá nên xã hội rắc rối của con người phải đặt ra những điều luật câu thúc giữ yên giềng mối tốt đẹp. Người Việt rất trọng hai lãnh vực là gia đình, trong đó có quan hệ nam nữ, và đất đai. Nhất hậu hôn, nhì điền thổ. Chính vì vậy nhiều trong các điều câu thúc kia nhắm tới quan hệ nam nữ. Quan hệ nam nữ căn bản và đẹp biết bao mà cũng cần gìn giữ biết bao. Từ cái bản năng ai cũng có sang Chữ Tình đẹp đẽ là nhờ sự câu thúc ấy.

Trước hết những thành viên trong cộng đồng dặn dò nhau về một khuôn cách ứng xử. Lâu dần thành thói quen, tập tục, nâng lên thành truyền thống ông cha, thành đạo đức. Người ta đứng riêng thì yếu đuối, cần nương tựa nhau. Cá nhân cần, sợ và tuân phục tập thể, từ đó dẫn tới sợ mang tai tiếng, sợ bị tập thể cười chê, ruồng bỏ nên thói quen, tập tục, đạo đức được tôn trọng, làm theo. Ấy là luật pháp bất thành văn.

Lại phải có luật pháp thành văn. Các điều cấm được ghi xuống hẳn hoi để làm bằng chứng. Ai vi phạm bị xử phạt, xử phạt tiền hay xử phạt bỏ tù, thậm chí có thể xử tử ở những nơi chưa bỏ án tử hình. Những điều ghi xuống họp thành Bộ Luật, được soạn bởi những đại diện chính thức và chính đáng của xã hội, cộng đồng, quốc gia. Có Luật rồi lại phải có người xét xử độc lập, không chỉ độc lập trong hứa hẹn mà phải độc lập thực sự trong vị trí đứng và trong quyền lợi. Tính độc lập, và chỉ tính độc lập, mới bảo đảm tính khách quan. Anh A xâm phạm gia đình anh B thì người xét xử không thể là người trong gia đình hay trong phe phái của anh A! Đó là nguồn cội của nguyên tắc tư pháp độc lập.

Hai hệ thống thành văn và bất thành văn cùng hệ thống xét xử độc lập hỗ trợ nhau tạo nền xã hội ổn định. Khi sự việc xảy ra, những người có trách nhiệm phải lập tức hành động. Phản ứng cần phải tức thời khi sự việc đụng tới giá trị đạo đức cốt lõi. Việc của nhà thơ Dạ Thảo Phương đã hai mươi ba năm, nếu đã quá thời hạn của luật pháp thành văn thì luật pháp bất thành văn vẫn còn kia, sao từ khi cô lên tiếng cho tới chục ngày sau mà người có trách nhiệm vẫn lặn bặt tăm. 

Rồi cũng có một văn bản được viết và gởi qua email của một cá nhân, được xem là phản hồi của Hội và được ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xác nhận đúng như vậy.

Văn bản ấy viết thế này: “BCH Hội nhà văn nhận thấy không có cơ sở thỏa đáng cũng như thẩm quyền để xử lí hành chính lại vụ việc xảy ra năm 2000 tại Báo Văn nghệ.... Bà nên gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền” (https://infonet.vietnamnet.vn/ ngày 12/4/2022).

daphuongthaoa.png
Nhà thơ Dạ Thảo Phương gần đây gây chấn động khi công bố vụ việc 23 năm trước

Không ai đòi hỏi Hội Nhà văn phải đứng về nhà thơ Dạ Thảo Phương hay đứng về người bị cô tố cáo, nhưng trách nhiệm của Hội là đứng về phía muốn tìm ra sự thật của lời tố cáo đó. Không ai buộc Hội Nhà văn phải đưa ra lời phán xét của quan toà, nhưng Hội không có trách nhiệm gì trong việc tổ chức tìm ra sự thực hay sao, nhất là khi người tố cáo có liên quan tới Hội và người bị tố cáo là một cán bộ quan trọng đương nhiệm? Lẽ đâu Hội không biết phải làm gì? Hội không thấy tính chất quan trọng của lời tố cáo đó sao? Hội có thể không bày tỏ thái độ, xin nói rõ thái độ đối với tầm quan trọng của sự việc chứ không phải thái độ bênh vực ai, và lạnh lùng đẩy mọi việc sang bên như vậy sao? Bảo vệ và xiển dương các giá trị cốt lõi, giữ tư thế đàng hoàng cho bất kỳ một tổ chức nào đều thuộc về trách nhiệm quan trọng nhất của người cao nhất tổ chức đó.

Tổ chức đó, than ôi, lại là Hội Nhà văn Việt Nam, nơi lẽ ra phải xiển dương điều hay lẽ phải, tính công bình, lòng nhân ái… Hội Nhà Văn không phải Luật sư Đoàn, trong khi không có trách nhiệm trực tiếp với Luật thành văn, lại có vai trò xã hội rất lớn với Luật không thành văn. Trong việc này, cách xử lý sự việc của Hội Nhà văn hôm nay có tinh thần trách nhiệm hơn, tiến bộ hơn, nhân văn hơn không so với Hội Nhà văn 23 năm trước?  

Như đã nói ở phần đầu, có người nào thoát khỏi cái khuôn bản năng? Theo kinh nghiệm và sự quan sát của người viết, câu “nhân chi sơ tính bản thiện” không phải không có cơ sở. Với sự trưởng thành của một cá nhân, tính bản thiện đó rất cần được gìn giữ, vun bồi, phát triển bởi luật pháp thành văn và bất thành văn, chính là cái khung giữ giềng mối xã hội, phát triển tính bản thiện của con người. Nếu cái khung đó được bảo hành, gia cố vững chắc bởi một cơ chế độc lập khách quan, một hành động theo bản năng xuất hiện liền được chỉnh sửa đúng mức, hẳn nhiên các việc cưỡng hiếp, bạo hành, cướp bóc… ít đi, xã hội yên hoà và các thành viên của nó cộng tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chứ như bây giờ, sao tham nhũng ngày càng hoành hành và suy thoái đạo đức xã hội ngày càng lao dốc không phanh?

Bài này được viết ra bởi một người Việt bình thường, mong xã hội được quản lý một cách dân chủ và hữu hiệu, để mỗi người, trong đó có cá nhân người viết, được sống trong và hướng dẫn bởi một xã hội văn minh. Để phần bản năng của mình được kiềm chế, phần tốt đẹp của chữ Người được lớn đẹp hơn!

Ngày 14 tháng 4 năm 2021

Lê Học Lãnh Vân

Lê Học Lãnh Vân