Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi)
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:01, 14/04/2022
Tại phiên họp thứ 10, chiều ngày 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6.7.1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có diễn biến mới đặt ra những vấn đề cần quan tâm xem xét, đòi hỏi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí tăng trưởng, đóng ngân sách, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, quá trình hội nhập.
Từ yêu cầu của thực tiễn cùng với nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, bối cảnh mới đòi hỏi cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Do vậy, Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4.2022) và trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022).
Việt Nam đang đứng trước thực tế số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019, mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng dầu khí nào được ký).
Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.
Do đó, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Trên cơ sở đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chung xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cụ thể: mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật này. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Ngọc Sơn cho rằng một trong những vấn đề cấp thiết của lần sửa đổi này là tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn để khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí.
Lý do là thực tế, thời gian qua đầu tư thăm dò dầu khí hạn chế, có nhiều lô được mời chào nhưng nhà đầu tư không tham gia vì không đủ ưu đãi. Trong 7 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng mới, còn số hợp đồng chấm dứt là 18, sản lượng liên tục suy giảm hàng năm và gia tăng trữ lượng hàng năm không bù được. Nếu vẫn giữ cơ chế như hiện tại thì khó có thể thu hút được nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung chỉ rõ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định khung thuế cho hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí từ 30 - 50%, trong khi các mức thuế được quy định tại dự án Luật này vẫn nằm trong khung thuế suất đó. Việc quy định mức thuế suất cụ thể trong luật chuyên ngành không đúng với nguyên tắc các mức thuế suất chỉ được quy định trong luật về thuế đã được các luật gốc quy định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng quy định về ưu đãi thuế khó có thể giúp đạt mục tiêu đề ra. Lý do là nếu đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ thu hồi chi phí ngang bằng các quốc gia khác, thì dự thảo luật khi ban hành sẽ có nguy cơ "lạc hậu sớm", vì ngay sau đó các quốc gia khác có thể sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan của họ để đưa ra mức thuế ưu đãi cao hơn nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Hiếu cho rằng cần phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư mà hai bên đều tìm thấy lợi ích chung..
Có cùng quan điểm, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác, nhưng hiện tại công cụ thuế vẫn còn tác dụng.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết các nội dung ưu đãi về thuế đã được quy cân nhắc kỹ về việc có nên quy định trong Luật lần này hay không. Trong khi luật về thuế chưa sửa được thì trước mắt cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi), nếu không thì không phát huy được quy định này khi ban hành luật.