Liều vắc xin Pfizer thứ 3 cho trẻ em 5-11 tuổi tăng kháng thể trung hòa Omicron gấp 36 lần

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:49, 14/04/2022

Liều vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3 tăng đáng kể sự bảo vệ chống lại biến thể Omicron ở trẻ em khỏe mạnh từ 5 đến 11 tuổi.

Theo hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), phân tích huyết thanh ở một số trẻ em được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 trong nghiên cứu cho thấy kháng thể trung hòa Omicron tăng 36 lần.

Các kháng thể trung hòa chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu đã tăng gấp 6 lần sau khi tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3.

Nghiên cứu giai đoạn từ giữa đến cuối đang kiểm tra tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của liều tăng cường Pfizer-BioNTech 10 microgram ở 140 trẻ em khỏe mạnh từ 5 đến 11 tuổi.

Pfizer và BioNTech cho biết dữ liệu củng cố tiềm năng của liều vắc xin thứ 3 trong việc duy trì mức độ bảo vệ cao chống lại SARS-CoV-2 ở nhóm tuổi này.

Hai công ty có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều vắc xin COVID-19 tăng cường cho nhóm 5-11 tuổi trong những ngày tới, với các bản đệ trình bổ sung cho các cơ quan quản lý toàn cầu, bao gồm cả Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm liều vắc xin thứ 3 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi và những người từ 5 đến 11 tuổi bị suy giảm miễn dịch.

Vào thời điểm đó, FDA cho biết sẽ cân nhắc các loại vắc xin COVID-19 tăng cường cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sau khi nhiều trẻ bé hơn được tiêm 2 liều.

Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 8 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ được tiêm 2 liều vắc xin COVID-19.

lieu-vac-xin-pfizer-thu-3-cho-tre-em-5-11-tuoi-tang-khang-the-trung-hoa-omicron-gap-36-lan.jpg
Một đứa trẻ được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech ở thành phố San Jose, Costa Rica - Ảnh: Reuters

Số ca COVID-19 trên thế giới vượt 500 triệu khi BA.2 gây bùng phát dịch

Theo thống kê của Reuters, số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt 500 triệu vào ngày 14.4 khi biến thể Omicron BA.2 gây bùng phát dịch ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á.

BA.2 được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca COVID-19 gần đây ở Trung Quốc cũng như sự lây nhiễm SARS-CoV-2 kỷ lục tại châu Âu.

Theo phân tích của Reuters, Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 mới trung bình hàng ngày với hơn 182.000 và chiếm 1/4 trường hợp trên toàn cầu.

Các ca mắc COVID-19 mới đang tăng lên ở 20 trong số hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ được theo dõi, bao gồm cả Đài Loan, Thái Lan và Bhutan.

Thượng Hải đang chống chọi với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán cuối năm 2019, với gần 25.000 ca trong cộng đồng mới một ngày, dù chính sách cách ly của thành phố bị chỉ trích vì tách trẻ em mắc COVID-19 khỏi cha mẹ.

"Công tác phòng chống dịch bệnh của Thượng Hải đang ở giai đoạn khó khăn nhất và quan trọng nhất", Wu Qianyu, một quan chức của ủy ban y tế thành phố, nói trong một cuộc họp báo.

Một số quốc gia châu Âu đang chứng kiến ​​sự gia tăng ca mắc COVID-19 chậm hơn, hoặc thậm chí giảm, nhưng khu vực này vẫn báo cáo hơn 1 triệu trường hợp cứ hai ngày một lần.

Tại Đức, số ca COVID-19 mới trung bình 7 ngày qua đã giảm và hiện bằng 59% so với mức cao nhất trước đó vào cuối tháng 3. Các ca mắc COVID-19 mới cũng đang giảm ở Vương quốc Anh và Ý, trong khi số ca đang ổn định ở Pháp.

Nhìn chung, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã giảm mạnh sau khi chạm mức kỷ lục vào tháng 1, nhưng sự bùng phát dịch tại các khu vực châu Á và châu Âu làm dấy lên lo ngại rằng một làn sóng dịch khác có thể xảy ra tại Mỹ.

Hôm 11.4, CDC cho biết biến thể BA.2 được ước tính chiếm gần 3/4 số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BA.2 hiện chiếm khoảng 86% số ca COVID-19 theo trình tự trên toàn cầu. BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1 và BA.1.1, song các bằng chứng đến nay cho thấy nó không có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn.

Các nhà khoa học tiếp tục nhấn mạnh vắc xin rất quan trọng để tránh sự tàn phá mà vi rút SARS-CoV-2 gây ra.

Khoảng 64,8% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, mặc dù chỉ có 14,8% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận ít nhất một liều, theo số liệu từ trang Our World in Data.

Trong khi số ca mắc COVID-19 bùng phát ở châu Âu và châu Á gần đây, Mỹ vẫn có tổng số ca cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch với 80,41 triệu, tiếp theo là Ấn Độ với 43,04 triệu và Brazil với 30,14 triệu.

Kể từ năm 2020, khoảng 37% ca mắc COVID-19 trên thế giới là ở châu Âu, 21% tại châu Á và 17% ở Bắc Mỹ.

Hơn 6,5 triệu người đã mất mạng vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mỹ đã báo cáo số người chết cao nhất, tiếp theo là Nga, Brazil và Ấn Độ.

Nga đã vượt qua Brazil để có số người chết cao thứ hai thế giới do COVID-19, theo dữ liệu từ dịch vụ thống kê nhà nước của Nga và tính toán của Reuters.

Theo một nghiên cứu của WHO công bố hôm 7.4, hơn 2/3 số người châu Phi đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, gấp 97 lần so với số ca được ghi nhận.

Nghiên cứu cho thấy, đến tháng 9.2021, 800 triệu người châu Phi đã nhiễm SARS-CoV-2, so với chỉ 8,2 triệu trường hợp được báo cáo vào thời điểm đó.

WHO cho biết tình trạng đếm sai số đang diễn ra khắp mọi nơi, nhưng ở mức độ thấp hơn so với ở châu Phi. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc nói rằng trung bình trên toàn cầu, số ca mắc COVID-19 thật sự cao hơn 16 lần so với con số được ghi nhận.

Edouard Mathieu, trưởng bộ phận dữ liệu của trang Our World in Data, cho biết số người chết thực tế vì COVID-19 toàn cầu có thể gấp gần 4 lần số ghi nhận.

Sơn Vân