Soái hạm Nga vừa chìm từng được mệnh danh là 'sát thủ diệt tàu sân bay'

Quốc tế - Ngày đăng : 09:15, 15/04/2022

Tàu tuần dương tên lửa Moscow - soái hạm của hạm đội Biển Đen (Nga) - sở hữu nhiều tên lửa chống hạm cùng tên lửa đối không, từng được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Ngày 14.4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu tuần dương tên lửa Moscow đã chìm giữa Biển Đen vì một vụ hỏa hoạn. Phía Ukraine lại tuyên bố lực lượng nước này tấn công con tàu bằng tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận tàu bị hư hại nặng và chìm khi được kéo vào cảng trong điều kiện biển có bão. Bất kể nguyên nhân là gì thì đây vẫn là mất mát lớn đối với Nga.

laip6qp5vwef5ibnaztduxygastzq.jpg
Soái hạm Moscow - Ảnh: Reuters

Nếu thực sự chính lực lượng Ukraine bắn chìm tàu, vụ việc sẽ đi vào lịch sử với tư cách một trong những cuộc tấn công hải quân gây tiếng vang nhất thế kỷ này. Soái hạm Moscow có thể là tàu chiến lớn nhất của Nga bị hư hại do kẻ thù tấn công kể từ năm 1941 đến nay. Máy bay ném bom Đức từng tấn công thiết giáp hạm Marat (Liên Xô) đậu tại cảng Kronshtadt năm 1941.

Còn nếu hư hại là do nổ trên tàu, đây sẽ là soái hạm thứ hai của hạm đội Biển Đen bị ngừng hoạt động vì lý do này. Thiết giáp hạm Imperatritsa Maria bị chìm vào năm 1916 sau một vụ nổ liên quan đến đạn dược.

Theo giới chuyên gia, soái hạm Moscow bị chìm không ảnh hưởng lớn đến chiến dịch quân sự Nga đang thực hiện tại Ukraine. Nga vẫn đủ nguồn lực để tiếp tục phong tỏa các cảng của Ukraine và tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ nước này bằng tên lửa.

Nhà phân tích quân sự người Nga Alexander Khramchikhin cho biết: “Con tàu thực sự rất cũ. Nga thực ra đã có kế hoạch loại biên con tàu vào 5 năm sau. Nó có giá trị biểu tượng hơn là giá trị thực chiến và nhìn chung không liên quan gì đến chiến dịch hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng đến diễn biến cuộc chiến”.

Soái hạm Moscow sở hữu nhiều tên lửa chống hạm cùng tên lửa đối không. Nga có hai tàu khác cùng loại là Marshal Ustinov và Varyag - phục vụ trong hạm đội Phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương.

Loại tàu này được Liên Xô thiết kế vào cuối những năm 1970 để đối phó nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cũng như cung cấp khả năng phòng không cho tàu Liên Xô hoạt động ở vùng biển khơi. Thời điểm đó chúng được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Soái hạm Moscow chính thức vào biên chế hải quân năm 1983, từng nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev với Tổng thống Mỹ George Bush tại Malta tháng 12.1989. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo trên tàu này.

Tháng 3.2014, soái hạm Moscow từng tham gia ngăn chặn hải quân Ukraine như một phần chiến dịch sáp nhập Crimea. Năm 2015, tàu tham gia chiến dịch quân sự tại Syria, cung cấp khả năng phòng không cho lực lượng Nga đang chiến đấu.

Cẩm Bình