Cử tri băn khoăn việc xử lý các tập đoàn lớn có ảnh hưởng đến nợ xấu hay không?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:10, 15/04/2022

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, cử tri băn khoăn việc xử lý tập đoàn lớn có ảnh hưởng đến nợ xấu của tổ chức tín dụng?

Xử lý các tập đoàn lớn ảnh hưởng đến nợ xấu hay không?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% các thành viên Thường vụ có mặt biểu quyết tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị dự thảo nghị quyết.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.

“Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết.

thanh-2.jpg
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Bà Thanh cũng nêu, thời gian gần đây, có một số tập đoàn có vi phạm cần phải xử lý đều là những tập đoàn rất lớn. Cử tri rất băn khoăn việc này có ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan đến nợ xấu và các tổ chức tín dụng hay không?

Bà Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo tâm lý niềm tin cho các nhà đầu tư liên quan đến thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, liên quan đến Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Chính phủ và bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải tích cực rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng từ bất ổn chính trị, dẫn đến số lượng lớn khách hàng có thể chuyển nhóm nợ.

Theo bà Thanh, cần phải có phương án, biện pháp để sớm phục hồi và làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ để phục vụ cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp vào tháng 5.2022.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 kèm theo Tờ trình, trong đó phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu của việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Đồng thời, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh sau ngày 15.8.2017 xử lý theo pháp luật về tín dụng có kết quả cụ thể ra sao, từ đó có sự so sánh, đối chiếu với việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, ông Định cũng đề nghị Chính phủ cần có đề xuất, định hướng cụ thể đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

“Luật Xử lý nợ xấu hay Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ là lúc cấp bách, nhất thời trong lúc nền kinh tế khó khăn, nợ xấu quá mức mới phải có chính sách đặc biệt. Thực sự có cần Luật về xử lý nợ xấu với tài sản bảo đảm không, hay nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng là vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc và đánh giá thật kỹ lưỡng...”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Sớm luật hóa Nghị quyết 42

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sau mấy năm Nghị quyết 42 ra đời, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tương đối ổn định, có chuyển biến tốt; các ngân hàng thời gian qua cũng tích cực hơn trong việc xử lý nợ xấu và cẩn trọng hơn trong việc cho vay.

Ông Thịnh cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 là một ý tưởng tốt, tuy nhiên, để làm được điều này cũng không phải trong một sớm một chiều có thể xong.

dinh-trong-thinh.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

TS Cấn Văn Lực thì cho rằng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn một số vướng mắc như sự vào cuộc, kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi nghị quyết gặp không ít khó khăn; nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của tổ chức tín dụng; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…

Ngoài ra, khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB còn nhiều khó khăn; số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế; Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự.

Vì lẽ đó, ông Lực cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ góp phần quan trọng giải quyết những vướng mắc lớn nêu trên. Hơn nữa, việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng góp phần hoàn thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong 3 đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng 13 lựa chọn, thông qua.

Theo ông Lực, hướng luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước: Một là có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên; hai là xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng trước đây, khi thực hiện thí điểm, hầu như Nghị quyết 42 không mang lại tác động xấu cho ngành ngân hàng, không làm tác động xấu cho các doanh nghiệp. Vì chưa luật hóa nên nó chưa phát huy hết tác dụng.

“Nếu chúng ta thực hiện luật hóa Nghị quyết 42 thì chắc chắn sẽ đồng bộ hóa hơn các quy định pháp luật, chúng ta sẽ bảo đảm rằng việc thu hồi nợ xấu sẽ diễn ra một cách hiệu quả hơn. Và đặc biệt, tránh tâm lý của người đi vay, không thể ỷ lại, tìm cách lẩn tránh trả nợ nếu điều kiện trả nợ đã được quy định trong các quy định của luật pháp.

Tôi cũng kỳ vọng, nếu chúng ta thực hiện được luật hóa này thì không chỉ làm giảm nợ xấu mà còn giúp ngân hàng yên tâm thực hiện chính sách cho vay, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất và tăng khoản tín dụng cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”, ông Cường nêu.

Lam Thanh