Dịch COVID-19 tại Trung Quốc: Chỉ hỗ trợ tài chính doanh nghiệp, hộ gia đình bị bỏ rơi
Quốc tế - Ngày đăng : 10:40, 15/04/2022
Giới chức Trung Quốc lý giải hỗ trợ tài chính doanh nghiệp giúp giữ việc làm, nhưng hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội và nhân viên từ thiện chỉ ra rằng các hộ gia đình bị buộc phải ở nhà đang vật lộn tìm cách trả tiền thuê nhà cùng không ít chi phí sinh hoạt khác.
Theo công ty tài chính Nomura Holdings, toàn Trung Quốc hiện có 45 thành phố bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, khiến khoảng 370 triệu dân chịu cảnh hạn chế đi lại.
Cư dân Thượng Hải Li Zixi viết trên Weibo: “Tôi chưa nhận được lương, tôi không thể trả tiền thuê nhà lẫn thẻ tín dụng”. Tại thành phố Trường Xuân, người dùng Weibo jeemoon-wendy viết: “Tôi không có thu nhập, có thể gửi trợ cấp thất nghiệp cho tôi không?”.
Một số nhà kinh tế có tiếng nói ở Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cho người dân giống như cách Mỹ hay Brazil từng làm. Nhưng điều này đòi hỏi chính phủ Trung Quốc - vốn vẫn xác định hỗ trợ doanh nghiệp là cách giữ việc làm tốt nhất, hỗ trợ trực tiếp có thể gây nên tình trạng dựa dẫm phúc lợi - thay đổi tư duy.
Truyền thông Trung Quốc cho biết trong tháng qua, 5 thành phố lớn áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần đã đề nghị cắt giảm thuế và trợ cấp tổng cộng 330 tỷ nhân dân tệ cho doanh nghiệp. Với hộ gia đình thì chính quyền địa phương chỉ cung cấp gói thực phẩm nhưng mức độ phủ sóng còn chưa đều. Người dân ở Thượng Hải cùng một số thành phố vẫn phải dành hàng giờ lùng sục thực phẩm trên mạng.
Chính sách tập trung lo cho doanh nghiệp càng khiến Trung Quốc khác biệt so với các nền kinh tế lớn khác. Nhà kinh tế Jacqueline Rong thuộc ngân hàng thương mại BNP Paribas nhận xét: “Trung Quốc có cách suy nghĩ rất khác. Họ muốn đảm bảo thu nhập của người dân thông qua duy trì doanh nghiệp đem lại việc làm”.
Nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp chính là cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời cho tạm ngừng nộp các khoản an sinh xã hội.
Thượng Hải là thành phố hỗ trợ hào phóng nhất với 140 tỷ nhân dân tệ. Doanh nghiệp chứng minh được họ không sa thải lao động có thể được hoàn thuế đóng năm ngoái.
Không rõ loạt biện pháp nêu trên có hiệu quả không. Trung Quốc chưa công bố số liệu việc làm tháng 3, nhưng nền tảng Baidu ghi nhận số lượt tìm kiếm về thất nghiệp trong 4 tuần qua đã tăng lên.
Người lao động tại Thượng Hải có thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp 2.000 nhân dân tệ/tháng. Tuy vậy chỉ có 1/3 dân số trong độ tuổi lao động xin trợ cấp, có thể có khoảng 280 triệu lao động từ nơi khác đến thành phố làm việc không có hợp đồng chính thức bị loại khỏi chương trình này.
Cô Yolanda, nhân viên từ thiện ở Thượng Hải, cho biết: “Một số lao động nhập cư sống quận ngoại ô không thể đi làm, mất thu nhập. Họ không có tiền mua thực phẩm và vì sống ở ngoại ô nên không dễ nhận được thực phẩm hỗ trợ”.
Ngân hàng tại Thượng Hải cùng một số thành phố đang phong tỏa đã cho phép hộ gia đình hoãn thanh toán vay thế chấp và vay thương mại, nhưng hiện tại chưa có chính sách quốc gia nào về vấn đề này.
Đợt phong tỏa gần đây làm chậm đà phục hồi tăng thu nhập hộ gia đình, khiến nhiều nhà kinh tế phải lên tiếng. Giáo sư Trương Bân thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) ủng hộ hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình. Vào tháng 2 ông kêu gọi trợ cấp thu nhập kéo dài một năm cho hộ gia đình thu nhập thấp.
Giáo sư Lư Phong thuộc Trường Phát triển quốc gia Đại học Bắc Kinh cũng khẳng định hỗ trợ hộ gia đình là việc cần làm. Giáo sư Dao Dương - hiệu trưởng trường - trong một bài viết tháng trước đề xuất trợ cấp mỗi người dân 1.000 tệ dưới dạng tiền điện tử sẽ hết hạn nếu không chi tiêu.
Theo các nhà phân tích của công ty chứng khoán Thiên Phong – trong đó có ông Tôn Bân Bân, chính phủ Trung Quốc có dư địa tài chính để trợ cấp cho hộ gia đình, tăng vay cho hộ gia đình cũng có nhiều dư địa hơn cho doanh nghiệp.
Một số thành phố thí điểm hỗ trợ trực tiếp, nhưng khoản trợ cấp khá ít. Thành phố Trường Xuân trao cho 46.000 hộ gia đình nghèo nhất 200 nhân dân tệ/hộ.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái đề nghị thúc đẩy “thịnh vượng chung”, giới quan chức cấp cao Trung Quốc lại lo ngại về “chủ nghĩa phúc lợi” - phụ thuộc quá mức vào trợ cấp nhà nước làm giảm động lực đi làm.
Giáo sư Cam Lê thuộc Đại học Tài chính Tây Nam phản bác lại: “Trợ cấp nhà nước thời đại dịch là có điều kiện nên không cần lo ngại chủ nghĩa phúc lợi”. Ông đề xuất trao ít nhất 680 nhân dân tệ/tháng cho mỗi người dân thông qua ứng dụng di động.
Về dài hạn, thiếu hỗ trợ tài chính từ nhà nước có thể tạo nên thói quen tiết kiệm ở người tiêu dùng. Đài truyền hình Phượng Hoàng tuần qua đưa tin về một trường hợp lao động nhập cư tại Thượng Hải sống trong thời gian phong tỏa mà chỉ có hai thùng mì ăn liền và vài chục chai nước. Anh sống sót chủ yếu nhờ gạo và rau từ hàng xóm và tình nguyện viên.
“Quan niệm về tiêu dùng của tôi đã thay đổi. Tôi sẽ không chi tiêu nhanh chóng như trước đây nữa”, người lao động này chia sẻ.