Cách người dân Trung Quốc nghĩ về chính sách 'Zero COVID' đang thay đổi
Quốc tế - Ngày đăng : 17:27, 15/04/2022
Khi các quan chức thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) thông báo vào ngày 11.4 rằng sẽ có đủ lương thực cho tất cả mọi người thì người dân lại suy nghĩ ngược lại. "Hiểu rồi, tôi cần phải đi mua thực phẩm tích trữ ngay bây giờ", một người dân Bắc Kinh tỏ vẻ hoài nghi trên mạng xã hội.
Thành phố Bắc Kinh có ít hơn 100 ca nhiễm COVID-19. Không có dấu hiệu nào về sự bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng hoặc về một đợt phong toả sắp xảy ra. Nhưng người dân Bắc Kinh vẫn có cảm giác lo ngại khi nhớ lại những gì đã xảy ra ở Thượng Hải, nơi các quan chức địa phương khẳng định sẽ không có một cuộc phong toả nào trên toàn thành phố cho đến thời điểm họ áp đặt các lệnh cấm. Đầu tiên, họ cố gắng phong toả một nửa thành phố, sau đó họ phong toả toàn bộ. Những người dân bị dồn vào thế bị động và thức ăn của họ mau chóng cạn kiệt. Giờ đây, người dân ở các thành phố khác của Trung Quốc đang tích trữ lương thực, quyết tâm không mắc phải sai lầm tương tự.
Trung Quốc không có dấu hiệu nới lỏng chính sách 'Zero COVID' trong việc đối phó với dịch bệnh. Hôm 7.4, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Gavekal Dragonomics đã công bố bản số liệu cho thấy có tới 87 trong số 100 thành phố lớn nhất ở Trung Quốc đều đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Các thành phố như Trường Xuân, Từ Châu và Thượng Hải gần đây đã bị phong toả hoàn toàn. Thượng Hải đã thông báo rằng các khu vực không có ca nhiễm COVID-19 nào trong 2 tuần sẽ được dỡ bỏ các hạn chế.
Trước đây, người dân Trung Quốc đã từng ca ngợi chính sách 'Zero COVID' là một thành công lớn. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia lớn nào khác. Trong bài phát biểu gần đây mừng Trung Quốc đăng cai Olympic Bắc Kinh vào tháng 2.2022, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng một số vận động viên nước ngoài nói rằng Trung Quốc xứng đáng nhận được "huy chương vàng vì đã ứng phó tốt với đại dịch".
Nhưng làn sóng dịch bệnh hiện tại đang làm thay đổi cách người dân nghĩ về vi rút và cả về chính sách 'Zero COVID-19' của chính phủ Trung Quốc. Gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhiều người chết vì các biện pháp chống dịch hơn là do vi rút.
Bà mẹ 98 tuổi của Lang Xianping là một trong những nạn nhân như vậy. Trong một bài đăng trên Weibo, anh Lang viết rằng mẹ mình chết vì suy thận sau khi chờ hàng giờ trước cửa phòng cấp cứu. Bà không thể vào nếu không có xét nghiệm âm tính COVID-19. Trong khi đó, anh Lang đã phải tranh cãi với các quan chức địa phương để được ra khỏi khu nhà đang bị phong toả. Cuối cùng khi anh được thả ra thì lại không có xe để đưa anh đến bệnh viện. "Tôi đã không được gặp mẹ lần cuối. Thảm kịch này lẽ ra có thể tránh được", anh Lang nói.
Những câu chuyện buồn như vậy được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và trở nên ngày càng phổ biến hơn. Điều này đã khiến một số người lo sợ về những biện pháp chống dịch giống như họ sợ chính vi rút.
Người dân thất vọng với việc chính phủ không điều chỉnh các biện pháp chống dịch, chẳng hạn như để những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà, thay vì tại các trung tâm cách ly, nơi có điều kiện yếu kém . Các chuyên gia tin rằng các biện pháp phòng dịch này đang gây ra những cái chết không đáng có. Họ đã đưa ra một nghiên cứu được công bố năm 2021 bởi một nhóm liên kết với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC). Nghiên cứu này phát hiện ra rằng trong thời gian thành phố Vũ Hán bị phong toả, số ca tử vong do bệnh mãn tính vượt quá tỷ lệ dự kiến 21%. Tử vong do bệnh tiểu đường vượt quá tỷ lệ dự kiến 85% và số người tự tử là 66%. Hai năm sau, một số người tử hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có rút ra được kinh nghiệm gì không?.
Các quốc gia trên thế giới hiện đã từ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, cho phép những người bị nhiễm bệnh tự cách ly tại nhà. Song chính phủ Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách 'Zero COVID'. Một bài xã luận gần đây trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, đã kêu gọi người dân Thượng Hải rằng: "Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, niềm tin quan trọng hơn vàng". Tuy nhiên, những người dân Thượng Hải đã không còn nghĩ như vậy. Một người dân nói: "Tất cả các chính sách trong tháng này đều không thể hiểu được. Họ nói một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Chúng tôi không còn tin tưởng những chính sách này nữa".
Trong bối cảnh thiếu lương thực trầm trọng, nhiều người dân Thượng Hải đã lên mạng xã hội Weibo để bày tỏ sự bất bình của họ và kêu gọi chính phủ giúp đỡ bằng cách sử dụng các hashtag như "Thượng Hải mua thức ăn", "thất vọng với chính phủ" và "tranh giành rau". Ngày 7.4, chính quyền Thượng Hải cho biết họ đang cố gắng cải thiện việc phân phối thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để đối phó với tình trạng bất bình ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Weibo đã chặn các hashtag vào ngày 8.4.
Một bài viết có tiêu đề “Tìm kiếm sự giúp đỡ” đã được đăng trên WeChat vào ngày 8.4, mô tả hoàn cảnh của việc không thể mua thức ăn. Song bài viết cũng đã bị chặn sau hàng trăm lần đăng lại.
Từ đó, người dân Thượng Hải phải đang nương tựa vào nhau. Họ sử dụng thuật ngữ "Zijiu" (tự cứu mình) để cùng vượt qua thời kỳ khó khăn. Kelly Wang, một tình nguyện viên ở quận Xuhui (Thượng Hải) cho biết những người trẻ tuổi đang tình nguyện chăm sóc những người già và tổ chức các đơn đặt hàng thực phẩm với số lượng lớn. "Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể trông chờ vào chính phủ được nữa", bà Wang nói.