Đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:37, 15/04/2022
Năm 2022 - năm tổng tiến công về chuyển đổi số
Tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I.2022 của Bộ TT-TT vừa mới diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Bộ TT-TT đã tuyên bố năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số".
Bộ TT-TT đã công bố 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia và giao cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nghiên cứu xây dựng. Do đó, cần tập trung thúc đẩy để người dân sử dụng các nền tảng số này.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, kinh tế số và xã hội số là phạm trù mới. Đảng đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Thứ trưởng cũng cho biết hiện Việt Nam có 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70 nghìn nhà máy sản xuất, 44 nghìn trường học, 14 nghìn cơ sở y tế, 3.000 doanh nghiệp vận tải. Điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
“Mỗi người dân có thể là một doanh nhân số. Mỗi hộ gia đình có thể là một doanh nghiệp số. Doanh nghiệp Việt Nam phát triển nền tảng số ngay cạnh người dùng Việt Nam. Tổ công nghệ số cộng đồng tới tận thôn, bản; truyền thông tới tận cơ sở”, Thứ trưởng phân tích.
9 yếu tố nền móng
Theo đó, 9 yếu tố nền móng được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề cập tới, bao gồm Thanh toán số, Doanh nghiệp số, Kỹ năng số, Nhân lực số, An toàn an ninh mạng, Dữ liệu số, Nền tảng số, Hạ tầng số và Thể chế số.
Đối với Thể chế số, Thứ trưởng nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ban hành chính sách thúc đẩy hoạt động trực tuyến rẻ hơn, nhanh hơn, dễ hơn, an toàn hơn. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
Về hạ tầng số, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, phổ cập điện toán đám mây tới doanh nghiệp.
Về nền tảng số quốc gia được chia thành 2 loại, nền tảng số do cơ quan nhà nước là chủ quản và nền tảng số do doanh nghiệp là chủ quản. Năm 2022, nền tảng số do doanh nghiệp là chủ quản, cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí phục vụ người dân trong các lĩnh vực. Điển hình như lĩnh vực liên lạc, đi lại, ăn uống, mua sắm, mạng xã hội, giáo dục, sức khỏe…
Về dữ liệu, Thứ trưởng nhấn mạnh tới nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc, và phát triển ngành công nghiệp dán nhãn dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, năm 2022, thúc đẩy kết nối, chia sẻ, dùng chung dữ liệu trong cơ quan nhà nước; ban hành danh mục dữ liệu mở và mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Về an toàn, an ninh mạng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản và chữ ký số tới người dân.
Về nhân lực, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là triển khai đại học số. Năm 2022 là năm khởi động thí điểm Đại học số, khởi động đào tạo chuyên ngành Chuyển đổi số. Đến năm 2025, dự kiến bổ sung 500.000 kỹ sư công nghệ.
Về kỹ năng số, Thứ trưởng cho biết nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập kỹ năng số toàn dân thông qua MOOCs. Năm 2022, triển khai các khóa học MOOC thuộc Đề án 146; trong đó đào tạo 200 lãnh đạo Sở, đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ, ngành; đào tạo 10.000 cán bộ chuyển đổi số cấp xã. Đến năm 2025, phổ cập trong toàn dân kỹ năng số cơ bản và kỹ năng số cho người lao động.
Về thanh toán, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá là phổ cập thanh toán số, mobile money.