8 Hiệp hội xin lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng đến năm 2023

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:33, 16/04/2022

Cho rằng thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên 8 Hiệp hội kiến nghị xin lùi thời điểm đến năm 2023.

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 ở mức 6%.

Nhận thấy thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên 8 Hiệp hội, bao gồm: Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam, vừa có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính xin lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1.1.2023.

luong-toi-thieu-vung.jpg
Phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 và ở mức 6%.

Các Hiệp hội này giải thích: Trong 2 năm 2020-2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Hơn nữa, hiện nay tình trạng người lao động là F0 vẫn còn diễn ra, các doanh nghiệp phải gồng mình đối phó với tình hình này, và kéo theo là tình trạng hậu COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng không thể xoay sở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước. Đồng thời, hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa được.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đã thực hiện tăng lương từ đầu năm 2021, 2022 nên việc tăng lương vào tháng 7 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập người lao động, cũng như sự tồn vong của doanh nghiệp.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí là phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.

"Với tình hình trên, có thể thấy rằng doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, và cũng cần có được sự hỗ trợ từ Chính phủ giống như Chính phủ hỗ trợ người lao động", 8 Hiệp hội kiến nghị.

Trước đó, lý giải về việc quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 thay vì tăng từ 1.1.2023 như các năm trước đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ, hơn 1 năm rưỡi qua người lao động đã không được tăng lương, hiện tại kinh tế đã phục hồi, dịch bệnh đã được kiểm soát, các bên đều nhận thấy thời điểm này phù hợp để tăng lương. Việc tăng lương là để giúp người lao động vượt qua khó khăn và cũng là động lực để họ nâng cao năng suất lao động.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng phương án tăng từ 1.7 sẽ khiến các doanh nghiệp vất vả và khó khăn hơn. Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động, doanh nghiệp và sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Đại diện phía doanh nghiệp, VCCI cho rằng, dù còn rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp sẽ cố gắng cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tích lũy để tạo nguồn tăng lương cho người lao động.

Tuyết Nhung