Lần đầu tiên Gia Lai sẽ có 2 tuyến đường cao tốc

Sự kiện - Ngày đăng : 15:07, 16/04/2022

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã thông tin như thế tại buổi họp báo công bố “Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai” tại TP.HCM vào hôm nay (16.4).

Dù hiện nay đường bộ, đường không từ Gia Lai kết nối với các địa phương khác trong nước là tương đối hoàn chỉnh, nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa có đường cao tốc. Chính việc chưa có đường cao tốc từ Gia Lai kết nối với các tỉnh, thành khác trong nước nên vấn đề logistics, giá thành vận chuyển đang đặt ra ra đối với địa phương này.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 tuyến đường cao tốc đi qua địa phương này. Trong đó, đường cao tốc Đông – Tây kết nối TP.Pleiku với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sẽ được quy hoạch đầu tư sau năm 2030 và tuyến đường cao tốc theo hướng Bắc – Nam đi từ Kon Tum- TP. Pleiku – Đắk Lắk sẽ được quy hoạch đầu tư trước năm 2030.

lan-dau-tien-gia-lai-se-co-2-tuyen-duong-cao-toc-hinh-anh(1).png
Lãnh đạo UBND và các sở, ngành của tỉnh Gia Lai tại buổi họp  báo  công bố "Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai” vào sáng nay (16.4)  tại TP.HCM - Ảnh: PV

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quy hoạch, ông Quế cho biết, tỉnh này đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh quy hoạch hệ thống đường cao tốc từ TP.Pleiku đến cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sớm hơn, nếu như địa phương phối hợp với Bình Định kêu gọi được nguồn vốn FDI hoặc PPP, đầu tư xã hội hóa.

“Theo Nghị quyết 05 của Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển kinh tế hạ tầng, chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc từ TP.Pleiku đến cảng Quy Nhơn sớm hơn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Quế chia sẻ.

Về các dự án đầu tư giữa TP.HCM và Gia Lai, ông Quế cho biết, hiện nay Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công thương của 2 địa phương này đang phối hợp để tham mưu cho UBND tổng kết lại quá trình ký kết hợp tác giữa 2 địa phương, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới nhằm thúc đẩy kinh tế của 2 địa phương. “Chúng tôi muốn gắn kết với TP.HCM nhiều hơn nữa để phát triển kinh tế của Gia Lai”, ông Quế nói.

Với đặc thù là một tỉnh Tây nguyên có đến 44 dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% dân số và có xuất phát điểm thấp, Gia Lai có sự chênh lệch lớn giữa giữa kinh tế vùng thành thị và nông thôn. Do đó, hiện nay Gia Lai đang có những chính sách để thu hút đầu tư vào các vùng nông thôn. Một trong những định hướng của tỉnh này là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thành lập các hợp tác xã liên kết với các nhà chế biến trên địa bàn để giúp cho người nông dân vùng sâu, vùng xa có thể phát triển kinh tế, làm giàu bằng chính sản phẩm nông nghiệp của mình. Qua đó, góp phần rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế giữa vùng nông thôn và thành thị.

Nói về kế hoạch phát triển Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến 4 vấn đề trọng tâm mà địa phương này tập trung thực hiện. Trước hết là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng. Đối với Gia Lai thì rừng không chỉ là kinh tế, môi trường mà còn là văn hóa, sự sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Nhiệm vụ thứ 2 là tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Khó khăn hiện nay của Gia Lai là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Địa phương sẽ kêu gọi đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu. Gắn với kết cấu hạ tầng, địa phương sẽ tập trung xây dựng các vùng kinh tế.

Nhiệm vụ thứ 3 chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử gắn với các di sản, danh lam thắng cảnh để phát huy du lịch. “Làm du lịch không dễ, phải có sự chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ từ người dân đến chính quyền, doanh nghiệp…Gắn với du lịch là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là cảnh quan kiến trúc ở đây. Người Gia Lai rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc nên sẽ thực hiện từng bước để góp phần phát triển du lịch bền vững”, bà Lịch nói.

Riêng nhiệm vụ thứ 4 chính là xây dựng nguồn nhân lực từ cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp để làm sao có được nguồn lực, trí tuệ thực hiện các nhiệm vụ trên.

Hồ Quang