Bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP

Sự kiện - Ngày đăng : 19:41, 16/04/2022

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP, tăng 0,2% so với năm 2012. Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến…

Chiều ngày 16.4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tinh thần

Có mặt tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Điều đáng nói, trong đó có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP, tăng 0,2% so với năm 2012. Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua…

van-hoa.jpg
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

"Nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Việc sửa đổi luật hiện hành là thực sự cần thiết. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Cũng đưa ra ý kiến của mình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian vừa qua có nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra với các em học sinh. "Hiện tượng cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 3-4 giờ sáng, cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn, trở thành niềm hãnh diện của cha mẹ đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Do đó, dự thảo cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập. Việc cha mẹ chỉ nuôi mà không dạy hoặc dạy thái quá thì đó chính là vấn đề bạo lực với học sinh", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

kim-son.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Cần phải nhận diện đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các cấp, các ngành cần nhận diện đầy đủ hơn những hành vi bạo lực gia đình. "Nhiều khi những hành vi bạo lực về tinh thần còn kinh khủng hơn nhiều so với các hành vi bạo lực về thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

vuong-dinh-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như dự thảo là chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Dẫn lại trường hợp em bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu mới đây, Chủ tịch Quốc hội nhận định tình trạng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con riêng của chồng... cũng diễn ra rất nhức nhối. “Lần sửa đổi này nhận diện và và khắc phục việc này thế nào chúng ta cũng cần làm rõ, rà soát để khắc phục dần”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến.

Hiện nay, nạn bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng và trầm trọng hơn nhiều và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội. Nếu các cơ quan lãnh đạo không giải quyết được kịp thời, tình trạng bạo lực gia đình sẽ dẫn đến kéo lùi sự phát triển của xã hội, làm rào cản đối với truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Trong lần sửa đổi này, dự án Luật tập trung cụ thể hóa 3 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12.12.2020, gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết dự thảo Luật lần này gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành; tiếp tục kế thừa nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính nhưng được bổ sung theo hướng chủ động hơn, liên tục trong cả quá trình trước, trong và khi kết thúc bạo lực để hướng đến mục tiêu là phòng ngừa bền vững. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên yếu thế khác trong gia đình là đối tượng được ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ. Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022 tới).

Dạ Thảo