Tài xế xe tải cực khổ vì chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 12:44, 17/04/2022
Nhưng đến ngày 15.4, nghĩa là 9 ngày sau khi xuất phát, anh vẫn chưa về đến nhà.
Như nhiều tài xế xe tải khác, Dong là nạn nhân của chính sách “Zero COVID” "cứng rắn" mà Trung Quốc vẫn duy trì cho đến nay. Anh đã chạy hết tuyến cao tốc dẫn về quê trước khi được thông báo phải cách ly tập trung 14 ngày với chi phí ít nhất 240 Nhân dân tệ/ngày, sau đó là 7 ngày cách ly tại nhà.
Ngày đó, Dong có kết quả xét nghiệm âm tính và không về từ vùng nguy cơ cao hay trung bình nào. Tuy nhiên giới chức địa phương chẳng buồn... bận tâm.
“Họ nói không cần biết tôi về từ đâu”, Dong kể lại.
Địa phương cung cấp cho tài xế 2 bữa ăn mang đi mỗi ngày nhưng không có nhà vệ sinh hay nơi tắm rửa. Vào tối 14.4, một nhóm công an đến nói với Dong cùng các tài xế đi cùng rằng, họ phải rời đi ngay lập tức nếu không sẽ bị phạt và tước giấy phép lái xe.
Dong cho biết cảnh sát không cần biết họ đi đâu. Cả nhóm quyết định di chuyển đến một lối ra cao tốc khác xa hơn. Ngày 15.4, Dong - đang nóng lòng về nhà làm việc đồng áng - chuẩn bị bước vào thời gian cách ly tập trung.
Theo số liệu chính thức, trong tháng này có hàng trăm trạm thu phí tại các lối ra cao tốc và trạm dịch vụ cao tốc đóng cửa. Dong kể: “Tôi lái xe suốt 7 - 8 tiếng đồng hồ không nghỉ. Không có điểm nào ra khỏi cao tốc”.
Sau khi chính phủ yêu cầu khơi thông các tuyến đường đầu tuần qua, số lối ra và trạm dịch vụ đóng cửa ở một số nơi mới giảm xuống. Tuy nhiên, đến đêm 14.4 trên địa bàn Giang Tô vẫn còn 91 lối ra và 44 trạm dịch vụ chưa mở. Chính quyền Giang Tô chưa đưa ra bình luận gì về trường hợp của Dong.
Mỗi địa phương tại Trung Quốc áp dụng quy định phòng chống dịch khác nhau, và nhiều nơi rất thận trọng. Dong cho biết số chuyến hàng cùng thu nhập của mình đã giảm một nửa kể từ đầu tháng 3 do tác động từ chính sách “Zero COVID”. Anh cũng chứng kiến không ít tai nạn và khiến người dân căng thẳng, mệt mỏi.
“Sau đợt cách ly này tôi không muốn lái xe nữa. Tôi nghĩ tôi sẽ ở lại quê làm nông”, Dong chia sẻ.