Từ việc rapper Karik bị rối loạn lưỡng cực, bác sĩ chuyên khoa cảnh báo điều gì?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:49, 17/04/2022

Ngay sau khi Karik chia sẻ trên trang cá nhân rằng anh bị rối loạn lưỡng cực, một số diễn đàn mạng đã xuất hiện lời đồn sức khỏe Karik đang nguy kịch, thậm chí sắp… qua đời! Có hay không những rủi ro tính mạng từ bệnh rối loạn lưỡng cực? Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của các bác sĩ.

Karik (tên thật Phạm Hoàng Khoa, sinh năm 1989) là rapper, nhạc sĩ nổi tiếng. Sau hai mùa ngồi ghế huấn luyện viên Rap Việt, tên tuổi Karik ngày càng phủ sóng rộng và được đông đảo khán giả yêu mến. Thời gian gần đây, Karik đã khiến nhiều người hâm mộ lo lắng khi anh thoắt ẩn thoắt hiện trên mạng xã hội và liên tục đăng tải những dòng trạng thái đầy tâm trạng buồn bã.

12 năm sống với rối loạn lưỡng cực

Trong dòng trạng thái trên trang cá nhân ngày 18.3, Karik cho biết: “Tôi bị rối loạn lưỡng cực và tôi rất nhạy cảm với các thái độ ngược lại với mình ngay tại thời điểm hiện tại, khi đối diện với sự phản biện “cái tôi” càng nhiều tôi càng có xu hướng thu mình. Tôi nói ra không phải để xin sự đồng cảm hay thương hại, vì vốn dĩ cũng đã sống với nó suốt 12 năm nay nên tôi thấy bình thường, thậm chí thấy an toàn với “người bạn” này, với xã hội hiện tại”.

karic.jpg
Karik từng chia sẻ trong một talkshow: Stress công việc, sự cô đơn trong chính thế giới của bản thân… đã khiến nhiều lần anh phải dùng đến thuốc an thần mới ngủ được - Ảnh: C.T.V

Karik giải thích anh nhiều lần tắt facebook vì cảm thấy nó không còn là nơi thoải mái cho cảm xúc của mình nhưng vẫn phải quay lại do tính chất công việc. “Có lẽ vì vậy mà tôi khá khó chịu với những kẻ hay thả biểu tượng “haha” một cách vô ý thức ngay khi tôi cần sự đồng cảm hoặc chia sẻ tâm tư của mình một cách nghiêm túc.

Có một câu của người bạn thân Nami từng nói với tôi rằng “Chấp nhận chơi, phải chấp nhận luật chơi”, facebook cuối cùng cũng vẫn là nơi công bằng về nhân quyền cũng như tự do ngôn luận cá nhân, vậy nếu các bạn làm tổn thương tôi, tôi cũng có quyền làm lại điều tương tự bằng cách này hoặc cách khác. Sự tự do thiếu khôn ngoan là mầm mống dẫn đến những cơn ác mộng”, Karik thẳng thắn bày tỏ.

Bình luận dưới dòng trạng thái này, một người bạn của Karik đã trêu đùa nhằm giúp tâm trạng anh nhẹ nhàng hơn, và Karik đã đáp lại bằng một nội dung khiến nhiều khán giả của anh lo lắng: “Chuẩn bị ăn đám tang tui tới nơi. Tui cảm nhận tui sắp hết nhiệm vụ của mình ở hành trình cuộc đời này rồi nên tranh thủ đi”.

Có lẽ chính từ đây mà những đồn đoán sức khỏe Karik nguy kịch đã lan ra.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

BS-CK2. Đỗ Văn Thắng (Trưởng khoa điều trị A, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) cho biết, rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm thần phổ biến, biểu hiện bằng những thay đổi cực độ trong cảm xúc. Các triệu chứng có thể bao gồm trạng thái cảm xúc hưng phấn quá mức (gọi là hưng cảm) xen kẽ các giai đoạn trầm cảm.

bsthang.jpg
BS-CK2. Đỗ Văn Thắng (Trưởng khoa điều trị A, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội)

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp, bệnh thường xảy ra sau sự kiện gây stress. Các thống kê cho thấy, khoảng 1/3 bệnh nhân rối loạn lưỡng cực từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi được chẩn đoán và điều trị thỏa đáng phải mất hơn 10 năm.

Theo ThS-BS. Bùi Ngọc Phương Hòa (bác sĩ nội thần kinh - Khoa khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng), rối loạn lưỡng cực có thể nhận biết dựa vào: các dấu hiệu về cảm xúc (khi người bệnh ở trạng thái hưng cảm họ phấn khích tột độ, vui vẻ, lạc quan một cách quá độ; khi ở trạng thái trầm cảm người bệnh buồn chán, mệt mỏi, hay khóc không rõ lý do, tinh thần trì trệ…); các dấu hiệu về hành vi (ở trạng thái rối loạn lưỡng cực hưng cảm bệnh nhân ăn uống nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn để tiêu hao năng lượng, khả năng quyết định suy giảm, người bệnh có thể nghe thấy giọng nói lạ hoặc nhìn thấy ảo giác, cảm xúc hân hoan không phù hợp, tăng ham muốn tình dục…; ở trạng thái trầm cảm người bệnh ăn ít đi, lười vận động, không thích giao tiếp với cộng đồng, suy nghĩ nhiều về cái chết hoặc muốn tự tử…).

“Rối loạn lưỡng cực là nhóm các bệnh lý khá nặng nề. Tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh trầm cảm. Bệnh thường xảy ra theo chu kỳ. Tâm trạng người bệnh cũng sẽ thay đổi theo ngày, tuần, tháng hoặc theo mùa. Khi có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được sự tư vấn và điều trị kịp thời của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh nhận diện ra các triệu chứng càng sớm thì khả năng phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng càng cao”, BS. Hòa lưu ý.

bsphuonghoa.jpg
ThS-BS. Bùi Ngọc Phương Hòa - Khoa khám bệnh và nội khoa, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Không thể chữa khỏi hoàn toàn

Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định rối loạn lưỡng cực là nguyên nhân gây loạn hoạt năng đứng thứ sáu trên toàn cầu. Bệnh gây các hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể cho người bệnh, có thể ảnh hưởng nặng nề trên đời sống cá nhân, nghề nghiệp và gia đình. BS. Thắng cho biết có ba loại rối loạn lưỡng cực chính:

Rối loạn lưỡng cực I: được định nghĩa bởi sự xuất hiện của ít nhất một cơn hưng cảm điển hình. Người bệnh có thể trải nghiệm các giai đoạn trầm cảm hoặc trầm cảm trước và sau giai đoạn hưng cảm. Đây là loại rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng như nhau đến nam giới và nữ giới.

Rối loạn lưỡng cực II: những người bị loại rối loạn lưỡng cực này trải qua một giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần. Họ cũng có ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ kéo dài khoảng bốn ngày, không có giai đoạn nào là hưng cảm điển hình. Loại rối loạn lưỡng cực này phổ biến hơn ở phụ nữ.

Rối loạn cảm xúc chu kỳ: những người bị rối loạn cảm xúc chu kỳ có các giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Những triệu chứng này ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn so với chứng hưng cảm và trầm cảm do rối loạn lưỡng cực I hoặc lưỡng cực II. Hầu hết những người có tình trạng cảm xúc này chỉ trải qua một hoặc hai tháng sau một thời điểm mà cảm xúc của họ ổn định.

Các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp người bệnh quản lý tốt rối loạn lưỡng cực bao gồm thuốc, tư vấn tâm lý và thay đổi lối sống. Người bệnh có thể ổn định hoàn toàn trong nhiều năm khi chịu khó uống thuốc củng cố hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Người bệnh sẽ được theo dõi liên tục trong thời gian dài để ngăn ngừa bệnh tái phát. Cần chấp nhận việc uống thuốc suốt đời giống như các bệnh mạn tính khác.

Người bệnh cần tiếp cận tâm lý liệu pháp, bao gồm: liệu pháp hành vi nhận thức (là liệu pháp trò chuyện, người bệnh và một nhà trị liệu nói về các cách theo dõi và quản lý rối loạn lưỡng cực. Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu các mẫu suy nghĩ, giúp đưa ra các chiến lược đối phó tích cực…) và liệu pháp tâm lý giáo dục (là loại tư vấn giúp người bệnh và người thân hiểu được rối loạn lưỡng cực. Biết thêm về rối loạn lưỡng cực sẽ giúp người bệnh và người thân hỗ trợ người bệnh quản lý bệnh hiệu quả).

Ngoài ra còn có một số bước đơn giản thay đổi lối sống mà người bệnh có thể thực hiện để giúp quản lý rối loạn lưỡng cực: giữ thói quen ăn uống và ngủ nghỉ điều độ; học cách nhận ra sự thay đổi tâm trạng; trao đổi bạn bè hoặc người thân để hỗ trợ các kế hoạch điều trị; trao đổi kịp thời với bác sĩ hoặc nhà tâm lý trị liệu…

“Những người bị rối loạn lưỡng cực có thể gặp khó khăn trong quản lý công việc, cuộc sống hàng ngày hoặc duy trì các mối quan hệ. Không có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có rất nhiều lựa chọn điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, để người bệnh rối loạn lưỡng cực có cuộc sống như người bình thường”, BS. Thắng lưu ý.

Theo Người Đô Thị