Đã đến lúc cần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Góc bình luận - Ngày đăng : 18:18, 17/04/2022
Tuần vừa qua, vấn đề xã hội được người dân quan tâm chính là việc số người rút bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 200.000 lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại TPHCM đã có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nên đã xảy ra tình trạng quá tải tại cơ quan bảo hiểm ở các quận, huyện.
Những con số thống kê trên không có gì bất ngờ mà đã phản ánh đúng những gì đang diễn ra hiện nay. Trong suốt hơn hai năm qua dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm không có thu nhập thì buộc người lao động phải rút tiền bảo hiểm để trang trải cho cuộc sống trước mắt thay vì phải đi vay.
Việc rút bảo hiểm xã hội một lần có lợi hay có hại có lẽ các cơ quan chức năng đã giải thích nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, một vấn đề ít được đề cập đến là chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay đã phù hợp với thực tiễn, đã theo kịp với nhu cầu của cuộc sống người dân hay chưa? Liệu người dân có thể chờ để lãnh lương hưu khi mà cuộc sống trước mắt không có tiền để trang trải? Đây là câu hỏi mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải đáp cho người dân.
Việc người dân rút bảo hiểm xã hội một lần tăng đã cho thấy hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam chưa linh hoạt, thiếu hấp dẫn nên chưa thu hút được người lao động gắn bó lâu dài với bảo hiểm xã hội.
Đơn cử như quy định hiện hành, người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đảm bảo tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trong khi xu hướng hiện nay nhiều người muốn nghỉ hưu sớm nên họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 60 với nữ và 62 với nam nên nhiều người càng không thể đợi đến khi nghỉ hưu để lãnh lương hưu.
Thời gian qua, dịch Covid -19 đã khiến rất nhiều người mất vì dịch bệnh, người dân có tâm lý muốn rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn vì họ suy nghĩ rằng nếu chẳng may mắc Covid -19 mà mất đi thì lương hưu chẳng được hưởng mà gia đình cũng chẳng được đồng nào. Suy nghĩ này của người dân hoàn toàn chính đáng vì khi đóng bảo hiểm xã hội như khoản gửi tiết kiệm để về già được nhận lại, song nếu chẳng may mất đi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu thì không được nhận đồng nào. Đây là một điều bất cập rất lớn mà chưa được cơ quan bảo hiểm giải quyết.
Có lẽ đã đến lúc chính sách bảo hiểm xã hội cần được cải cách theo hướng linh hoạt, đa dạng hơn để phù hợp với cuộc sống. Trong đó, nhà nước phải coi khoản đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như là khoản gửi tiết kiệm nhà nước giữ hộ để hưởng khi về già.
Trường hợp khi người lao động chưa về hưu nếu có việc cần thì cho phép lấy một phần tiền bảo hiểm xã hội để chữa bệnh hoặc trang trải việc học cho con. Trường hợp người lao động chẳng may qua đời trước tuổi nghỉ hưu thì số tiền còn lại được chuyển thừa kế cho người thân.
Ngoài ra, bảo hiểm xã hội cũng cần cải cách theo hướng cho phép người dân được lựa chọn đóng bảo hiểm với thời gian khác nhau gồm 10 năm, 15 năm, 20 năm. Trường hợp người lao động đóng thời gian càng dài thì mức hưởng lương hưu sau này càng cao. Với sự đa dạng như vậy người lao động sẽ có thêm động lực để giữ khoản tiền bảo hiểm xã hội đến khi về hưu.
Nếu bảo hiểm xã hội được cải tiến theo hướng như đã nói ở trên thì chắc hẳn nhiều người sẽ không rút bảo hiểm xã hội một lần mà sẽ đòi hỏi nơi làm việc phải đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo mức lương thực lĩnh chứ không phải đóng theo mức lương tối thiểu. Vì vậy, đã đến lúc cần phải sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội để vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa thu hút người dân giữ khoản tiền bảo hiểm xã hội đến khi về hưu.