Cuộc chiến ở Ukraine đang làm Đài Loan lo ngại bị cắt cáp internet dưới đáy biển
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:46, 20/04/2022
Cuộc chiến ở Ukraine đang làm dấy lên lo ngại tại Đài Loan và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương về sự mong manh của kết nối internet vì họ dựa vào cáp ngầm có thể bị đứt do tác nhân từ Trung Quốc.
Người Ukraine sử dụng internet để tập hợp phản đối Nga tấn công, chống lại sự tuyên truyền của Nga và giành được sự ủng hộ từ quốc tế, bao gồm cả việc Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây tài trợ vũ khí. Ukraine có kết nối internet rộng khắp biên giới đất liền và hầu hết đất nước vẫn trực tuyến bất chấp các cuộc tấn công mạng của Nga vào cơ sở hạ tầng internet.
Ngược lại, Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhận và gửi khoảng 95% lưu lượng dữ liệu và thoại của họ qua các đường cáp nằm dưới đáy biển. Hiện tại, các quan chức cho biết có khoảng 14 dây cáp, những bó dây cáp quang có độ dày bằng chiếc vòi làm vườn, đang hoạt động và chúng tiếp cận đất liền tại bốn địa điểm trên bờ biển Đài Loan.
Nếu tàu ngầm hoặc thợ lặn cắt cáp trên biển, hoặc nếu các cuộc tấn công quân sự nhằm phá hủy các trạm mặt đất được bảo vệ nhẹ, thì phần lớn Đài Loan sẽ chuyển sang trạng thái ngoại tuyến.
Kenny Huang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Mạng Đài Loan, một tổ chức đăng ký miền internet và an ninh mạng trực thuộc chính quyền, cho biết: “Chúng tôi rất dễ bị tổn thương”.
Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Trung Quốc có kế hoạch tấn công Đài Loan, nhưng nước này nói rằng họ không loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự để giành quyền kiểm soát hòn đảo. Học thuyết quân sự của Trung Quốc chỉ ra rằng họ sẽ tìm cách đạt được ưu thế trên không, hàng hải và thông tin trước khi thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ vào Đài Loan, theo Ivan Kanapathy, Giám đốc phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ trong nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng từ năm 2018 đến năm 2021.
Ông Ivan Kanapathy nói: “Quan sát việc sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông của Ukraine, Trung Quốc có thể đánh giá rằng việc tách Đài Loan khỏi thế giới sẽ cải thiện đáng kể cơ hội thành công của họ”.
Trung Quốc không đe dọa tấn công cáp dưới đáy biển. Các quan chức chính phủ phương Tây đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa với cáp dưới biển từ tàu và tàu ngầm của Nga những năm gần đây, nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng Trung Quốc cũng có đủ các phương tiện để cắt đứt chúng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi về dây cáp dưới đáy biển nhưng cho biết căng thẳng ở eo biển Đài Loan không nên được phóng đại.
Vào tháng 12.2021, Mỹ cho biết các công ty thuộc sở hữu của Hengtong Group (Trung Quốc) đặt và quản lý các tuyến cáp dưới đáy biển có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận của họ với đầu tư và công nghệ Mỹ. Hengtong Group đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.
Wong Po-tsung, Phó trưởng Ủy ban Truyền thông của Đài Loan, nói chính quyền giám sát chặt chẽ kết nối internet và sẽ được thông báo trong vòng 1 giờ nếu sự cố xảy ra. Theo luật, các trạm mặt đất được bảo vệ bởi cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội nếu cần thiết.
Nhật Bản cũng phụ thuộc rất nhiều vào dây cáp dưới đáy biển và lo ngại bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan Đài Loan hoặc một số đảo khác do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hầu hết các tuyến cáp dưới đáy biển của Nhật Bản đến hai trạm mặt đất, trong đó có một trạm gần Tokyo.
“Nếu bạn đến đó, tất cả các cáp quang sẽ được tập trung trong một không gian rộng 2 x 2 mét. Nếu nó bị đánh bom, mọi thứ sẽ mất”, Nobukatsu Kanehara, Phó tổng thư ký Ban Thư ký An ninh Quốc gia Nhật Bản từ năm 2013 đến năm 2019, cho biết.
Một ví dụ điển hình về tính dễ bị tổn thương trên internet xảy ra vào đầu năm nay khi vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển đã cắt đứt sợi cáp duy nhất kết nối Tonga với internet, tạo ra một khoảng thời gian gần như bị mất thông tin về mức độ thiệt hại trên quần đảo Thái Bình Dương nhỏ bé trong nhiều ngày.
Trong trò chơi chiến tranh do Center for a New American Security, một viện chính sách Washington thực hiện, những người tham gia đã mô phỏng các cuộc tấn công của Nga và Trung Quốc vào dây cáp dưới đáy biển. Trong hầu hết mọi trường hợp, những kẻ tấn công có thể “làm gián đoạn và làm suy giảm liên lạc của Mỹ, đồng minh và đối tác, đồng thời góp phần gây ra sự nhầm lẫn và mất tập trung ở cấp chiến lược”, Center for a New American Security cho biết trong báo cáo năm ngoái.
Cáp dưới đáy biển được ví như “hệ thống ống nước” cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu. Một báo cáo gần đây ước tính đóng góp của cáp dưới đáy biển vào nền kinh tế Mỹ là gần 649 tỉ USD, hay khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.
Châu Á - Thái Bình Dương có một số khu vực tập trung cao nhất trong số khoảng 436 dây cáp dưới đáy biển đang hoạt động kéo dài hơn 800.000 dặm (1 dặm = 1,609344 km) trên khắp thế giới. Các loại cáp, hầu hết thuộc sở hữu tư nhân của các công ty internet, cũng là nguy cơ bảo mật vì có thể bị khai thác để đánh chặn dữ liệu.
Ngay cả khi tất cả tuyến cáp biển của mình bị cắt đứt, Đài Loan vẫn sẽ giữ lại một số kết nối với internet thông qua vệ tinh, ưu tiên dành cho chính quyền và quân đội. Tuy nhiên, dung lượng dữ liệu từ các kết nối vệ tinh chỉ bằng một phần rất nhỏ so với từ cáp đáy biển và cần có các thiết bị đầu cuối chuyên dụng để nhận kết nối từ vệ tinh.
Ông Kenny Huang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Mạng Đài Loan, cho biết Đài Loan đang khuyến khích xây dựng các tuyến cáp mới để cung cấp nhiều nguồn kết nối internet hơn và có khả năng sẽ bổ sung thêm một hoặc hai trạm mặt đất trong vòng 5 năm tới.
Tháng 12.2021, Mỹ đã chấp thuận cho Google và Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) thực hiện tuyến cáp mới kết nối Đài Loan với Mỹ và Philippines vào đầu năm nay. Các công ty cũng đang hợp tác xây dựng một tuyến cáp mới nối Đài Loan với Nhật Bản và các nước khác ở châu Á, dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2024.
Alexander Huang, cựu thứ trưởng trong hội đồng chính quyền xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc và là cố vấn an ninh cho các chính quyền Đài Loan, nói một hệ thống cảnh báo sớm có thể được phát triển để bảo vệ các dây cáp khỏi bị can thiệp trên biển, song không có giải pháp dễ dàng nào.
Ông Alexander Huang nói: “Chúng tôi đã biết về lỗ hổng này từ lâu nhưng việc xử lý nó rất tốn kém”.