PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Sau 2-3 tháng nữa có thể xem COVID-19 là bệnh thông thường

Sự kiện - Ngày đăng : 23:00, 20/04/2022

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, chỉ khoảng 2-3 tháng nữa Việt Nam có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh truyền nhiễm thông thường.

Từ sau đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương đến nay, số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Đặc biệt số ca xuất viện trong nhiều ngày gần đây cao gần 10 lần so với số ca mắc mới. Trong ngày 20.4, tổng số ca mắc của cả nước chỉ còn 13.271 ca, thấp hơn cả chục lần so với những ngày cao điểm trước đó. Đây là một điều rất ít thấy từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam đến nay. Trước đó, sau mỗi đợt nghỉ lễ, số ca mắc COVID-19 thường tăng lên.

pgs-ts-bs-do-van-dung-sau-2-3-thang-nua-co-the-xem-covid-19-la-benh-thong-thuong-hinh-anh-(1).png
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: PV

Điều này, theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM, là do hiện nay người dân đã có ngưỡng kháng thể bảo vệ thông qua tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã bị mắc COVID-19. Do đó, khả năng lây lan lúc này giảm rất nhiều và chắc chắn trong thời gian 2-3 tháng tới sẽ giữ ổn định ở mức này, không gia tăng nữa.

PV: Như vậy, dịch COVID-19 chỉ giữ ổn định số ca mắc này trong khoảng thời gian 2-3 tháng nữa, sau đó sẽ tiếp tục tăng lên phải không, thưa ông?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Miễn dịch COVID-19 không bền vững và sẽ giảm dần theo thời gian nên người dân có thể mắc lại. Sau khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất hiện một đỉnh dịch mới, số ca mắc có thể tăng cao hơn hiện nay nhưng không tăng cao hơn so với các đỉnh dịch trước đó; còn số ca tử vong, ca chuyển biến nặng sẽ không tăng cao. Miễn dịch dù có yếu đi khiến người dân có thể mắc bệnh nhưng miễn dịch chống lại bệnh nặng, tử vong vẫn còn.

Theo mô hình dự báo thì thường đỉnh dịch sau luôn thấp hơn đỉnh dịch trước, ít trường hợp tử vong, bệnh nặng. Cứ qua mỗi lần đỉnh dịch như thế chúng ta từ từ xem dịch bệnh đó như là một bệnh lưu hành. Khi số tử vong giảm sẽ mất đi một đặc tính của bệnh truyền nhiễm nhóm A thì có thể xem đó như là bệnh thông thường - bệnh của nhóm B.

Vậy để có thể xem COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm nhóm B - bệnh đặc hữu hay là bệnh thông thường cần phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

Thật ra không có một con số cố định nào để nói bệnh đó là bệnh truyền nhiễm nhóm B - bệnh đặc hữu, thông thường. Thông thường người ta lấy bệnh cúm - là bệnh mà chúng ta đã chấp nhận xem như một bệnh thông thường. Ở bệnh cúm tỷ lệ tỷ vong thường chỉ từ 2/10.000 – 3/10.000, tức từ 0,2 đến 0,3/1.000.

Về mặt khoa học, bệnh được xem là bệnh lưu hành thì không còn xuất hiện làn sóng dịch lớn, không ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong và quá tải bệnh viện. Làn sóng dịch lớn tùy thuộc vào sự chấp nhận của từng quốc gia, nếu làm quá tải hệ thống y tế ở quốc gia đó sẽ xem là lớn. Ngay cả làn sóng dịch đó không gây ai tử vong, nhưng nhiều người bệnh quá cũng gây quá tải y tế.

Nếu xét về yếu tố quá tải hệ thống y tế để xác định bệnh truyền nhiễm đó là bệnh thông thường hay không, thì ngay lúc này bệnh COVID-19 có phải đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn để có thể xem đó là bệnh đặc hữu, bệnh thông thường, thưa ông?

Không phải như thế! Chúng ta phải chứng minh được tính ổn định của dịch bệnh đó, chứ đâu phải trong một thời gian nhất định. Nếu sau đó lại có đỉnh dịch khác, bùng phát trở lại thì sao. Dịch bệnh đó sẽ không tạo bất ngờ. Hiện nay dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đó.

Nhưng cứ hết đỉnh dịch này đến đỉnh dịch khác, vậy đến bao giờ chúng ta có thể xem bệnh COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh thông thường, thưa ông?

Thông thường cứ sau 4 tháng lại xuất hiện một đỉnh dịch mới, nhưng hiện nay chu kỳ không rõ ràng như ngày trước. Trước đây, chu kỳ dịch chủ yếu do mắc bệnh và được tiêm chủng cùng lúc nên đồng nhất với nhau. Tuy nhiên bây giờ đỉnh dịch không đều vì mỗi người tiêm chủng khác nhau.

Các đỉnh dịch của COVID-19 không bao giờ hết, có thể có những đỉnh dịch nhỏ. Ngay như sốt xuất huyết có từ rất lâu nhưng vài năm cũng xuất hiện một đỉnh dịch.

Tất nhiên, đỉnh dịch sày này sẽ không còn nguy hiểm, không gia tăng nhiều ca mắc, ca chuyển biến nặng và tử vong gây quá tải hệ thống y tế. Vì vậy, nếu có xuất hiện các đỉnh dịch sau đó thì chúng ta cũng không quá e ngại.

Sau làn sóng dịch khoảng 2-3 tháng nữa, dịch bệnh COVID-19 sẽ ổn định; đồng thời nếu không xuất hiện biến chủng mới thì chúng ta có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh truyền nhiễm thông thường.

Theo tôi, Việt Nam rất khó có thể tạo biến chủng mới vì hiện nay số ca mắc COVID-19 của chúng ta không cao, ngay cả có xuất hiện các đỉnh dịch sau này. Nguyên tắc xuất hiện biến chủng mới phụ thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm. Như vậy, chỉ khoảng 2-3 tháng nữa Việt Nam có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh truyền nhiễm thông thường.

Xin cảm ơn ông!

Hồ Quang (thực hiện)