Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tránh lạm dụng kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:15, 21/04/2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải khắc phục được tình trạng lạm dụng công nghệ, kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số nhân dân.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 21.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Xây dựng luật theo hướng "Lấy người bệnh làm trung tâm"

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

qh4.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo đó, nội dung dự án luật được xây dựng theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan đến điều kiện bảo đảm thực hiện…

Thẩm tra nội dung của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh được nêu tại Điều 4 của dự thảo luật chưa thể hiện toàn diện các chính sách đã được nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả; đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế.

Ngoài ra, một số chính sách nêu tại Điều 4 chưa được cụ thể hóa tại các điều, khoản của dự thảo luật để có cơ chế thực hiện, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục cụ thể hóa những nội dung này tại dự thảo luật. Đồng thời, rà soát nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các chính sách của Nhà nước có liên quan.

qh3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng thấy rằng nội dung dự án luật có một số thay đổi về chính sách so với hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật, song tờ trình của Chính phủ chưa thực hiện theo đúng quy định, chưa nêu được các nội dung mới được bổ sung, tiếp thu, chỉnh lý hoặc điều chỉnh so với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, làm rõ các nội dung nêu trên. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiến hành đánh giá, tổng kết đối với các nội dung sửa đổi hoặc bãi bỏ so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, có nhiều chính sách liên quan đến việc phát sinh thủ tục hành chính và có tác động về nhiều mặt với nhiều bên liên quan.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách này đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, một số chính sách nhạy cảm liên quan đến yếu tố nước ngoài cần được tiếp tục lấy ý kiến của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Đồng thời, cần bổ sung đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến tính khả thi của các chính sách được đề xuất.

Tránh lạm dụng kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo luật trình UBTVQH lần này có sự thay đổi rất tích cực; tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân; cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Xét về mặt tổng thể, sau khi được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại lỳ họp thứ 3.

qh2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo và ủy ban thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa cụ thể, sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào trong dự thảo luật. Đặc biệt, các nội dung của dự thảo Luật cần được xây dựng theo đúng phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Để bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân khi khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này sau khi hoàn thiện cần phải khắc phục được tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số nhân dân.

Đồng thời khắc phục tình trạng người bệnh dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh quá nhiều; bảo đảm công khai, minh bạch tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, tránh các tiêu cực trong lĩnh vực y tế; bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm rõ ràng minh bạch đối với các bên tham gia hoạt động khám, chữa bệnh...

qh1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường, thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp tiểu phẫu nhẹ bệnh nhân cũng phải ký cam kết với nội dung nếu có vấn đề gì ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng thì bệnh nhân chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đa số các trường hợp người bệnh và gia đình buộc phải ký cam kết này để được thực hiện phẫu thuật.

Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, dự thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng trách nhiệm của người hành nghề khám, chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người dân.

Lam Thanh