Ngày 21.4, tiếp tục xảy ra động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum)
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:33, 21/04/2022
Theo ông Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu), trong ngày 21.4, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 4 trận động đất với độ lớn từ 2.5 đến 3.2.
Cụ thể, trận động đất gần nhất diễn ra vào 10 giờ 16 phút 14 giây (giờ GMT) ngày 21.4.2022, tức 17 giờ 16 phút 14 giây ngày 21.4.2022 (giờ Hà Nội); độ sâu khoảng 8.1 km; độ lớn 3.0. Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.
Trong ngày 21.4, trận động đất có độ lớn 3.2 diễn ra vào 17 giờ 55 phút 28 giây (GMT), ngày 20.4.2022, tức 00 giờ 55 phút 28 giây, ngày 21.4.2022 (giờ địa phương).
Sau đó, vào lúc 1 giờ 5 phút 23 giây, ngày 21.4.2022 (giờ địa phương) và 4 giờ 12 phút 48 giây, ngày 21.4.2022 (giờ địa phương), huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra động đất với độ lớn lần lượt là 2.9 và 2.5. Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, sáng 19.4, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với hoạt động động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum do trước đó, đã có liên tiếp các trận động đất diễn ra tại địa phương này.
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cho biết trong thời gian từ tháng 4.2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.
Trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 trở lên xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15 - 18.4 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.5.
Viện Vật lý địa cầu phân tích, tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ. Nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.
Theo chuyên gia, nguyên nhân sơ bộ xảy ra động đất liên tục tại khu vực có thể đến từ hiện tượng kích thích do việc tích nước. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực, các rung động địa chấn đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân trong khu vực.
Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về xử lý động đất tại Kon Tum.
Theo văn bản, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại khu vực nêu trên, báo tin kịp thời cho các cơ quan và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.
Các Bộ, gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo theo dõi, đánh giá, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng do động đất, không để xảy ra sự cố bất ngờ, mất an toàn công trình.
Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất; công bố để chính quyền và nhân dân biết chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.