Sở Y tế TP.HCM: Dịch COVID-19 vẫn có khả năng bùng phát…
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:56, 21/04/2022
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó chánh văn phòng Sở Y tế đã chia sẻ như thế tại cuộc họp báo thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vào chiều 21.4.
Theo bà Như, dù hiện nay số ca mắc tại TP đã giảm sâu, những ngày gần đây không có ca tử vong, nhưng ngành y tế vẫn thận trọng, vì dịch vẫn có khả năng bùng phát do xuất hiện những biến chủng mới trong thời gian tới.
“Số ca mắc giảm sâu chứng tỏ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng như chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc có công nhận dịch COVID-19 thành bệnh đặc hữu hay bệnh truyền nhiễm thông thường phải dựa vào cấp quốc gia, châu lục chứ không dựa trên dịch bệnh tại địa phương, điều này Bộ Y tế sẽ xem xét, đánh giá”, bà Như nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều trẻ chưa có mã định danh có được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hay không, bà Như khẳng định, những trường hợp trên vẫn được tiêm vắc xin một cách bình thường.
Theo bà Như, đa số các trẻ chưa có mã định danh là trẻ 6 tuổi. Những trẻ này, nếu gia đình mong muốn được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ để các cháu tiêm bình thường. “Trong quá trình tiêm, chúng tôi sẽ ghi nhận lại thông tin của các cháu để sau này tiến hành các bước xác định danh sách cho các cháu”, bà Như cho biết.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bà Như thông tin, tính đến hết ngày 20.4, toàn TP có 93.562 trẻ được tiêm, trong đó có 3.321 trẻ đã được tiêm từ các ngày trước.
Ngoài ra còn có 1.798 trẻ phải hoãn tiêm do đa số nhiễm COVID-19 chưa đủ thời gian tiêm ngừa, 458 trẻ phải chuyển đến tiêm tại bệnh viện. “Những trẻ buộc phải chuyển đến tiêm tại bệnh viện là do có những bệnh lý nền hoặc béo phì, chứ không phải có vấn đề gì nghiêm trọng”, bà Như nói.
Riêng các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời và hiện sức khỏe ổn định. Công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn.
Liên quan đến thông tin nhiều trẻ sau khi tiêm ngừa có phản ứng sốt cao, đau nhức tay nhưng liên hệ đến số điện thoại được cung cấp thì không được, bà Huỳnh Như cho biết ngoài số điện thoại của trạm y tế, cũng như nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng cung cấp cho phụ huynh, khi cần thiết cha mẹ có thể liên hệ với các kênh thông tin hỗ trợ, tư vấn như kênh 1022 nhánh 3.
“Kênh 1022 nhánh 3 có sự tham gia tình nguyện của tất cả đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm thuộc về Hội Y học TP.HCM cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Phụ huynh có thể tiếp cận chuyên gia một cách dễ dàng, nhanh chóng để nhận được những thông tin sức khỏe hữu ích, chính thống và khoa học. Thời gian tư vấn tất cả các ngày trong tuần theo khung giờ cố định, buổi sáng từ 8-12 giờ, trưa từ 14-16 giờ, và buổi tối từ 19-21 giờ”, bà Như chia sẻ.