TP.HCM sắp mở 26 tuyến xe buýt mới, xin lùi ngày hoàn công tuyến metro
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:05, 22/04/2022
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP cho công bố danh mục mạng lưới tuyến nhằm định hướng việc phát triển các tuyến xe buýt trên địa bàn TP.
Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh gồm 133 tuyến hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có 101 tuyến xe buýt đang hoạt động, 6 tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động và 26 tuyến xe buýt dự kiến mở mới. Cụ thể là:
Mã số 108: Bến xe Miền Đông (cũ) - Bến xe Miền Đông (mới).
109, Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.
110, Bến xe An Sương - Chợ Đường.
111, Bến xe buýt Tân Phú - Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp.
112, Bến xe Miền Đông mới - Khu công nghệ cao - Đại học Tôn Đức Thắng.
113, Bến xe Củ Chi - Nguyễn Văn Khạ - Bến xe buýt Tân Quy.
114, Bến xe Củ Chi - Tỉnh lộ 2 - Bến xe buýt Tân Quy.
115, Bến xe Củ Chi - Trung Lập - Bến Dược.
116, Bến xe Ngã tư Ga - Chùa Hoằng Pháp.
117, Chợ Hóc Môn - Khu dân cư Vĩnh Lộc A.
118, Bến xe buýt Tân Phú - Khu dân cư Vĩnh Lộc A.
119, Chợ Hưng Long - Trung tâm hành chính huyện Bình Chánh - Cầu Tân Bửu.
120, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân - Cầu An Hạ.
121, Bến xe buýt Văn Thánh - Bến xe Miền Đông.
122, Vinhomes Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất.
123, Vinhomes Grand Park - Ga Tân Cảng - Bến xe buýt Văn Thánh.
124, Vinhomes Grand Park - Bến xe Miền Đông mới.
125, Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Eart.
126, Ga tàu thủy Bình An - Bến xe buýt Sài Gòn.
127, Ga tàu thủy Bình An - Đường liên phường.
128, Khu dân cư ấp 5 xã Phong Phú - Ủy ban nhân dân Q.7.
129, Khu dân cư T30 - Trường đại học Marketing.
130, An Lạc - Rạch Chiếc.
131, An Lạc - Bến Thành.
132, Chợ Lớn - Rạch Chiếc.
133, Bến Thành - Rạch Chiếc.
Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt liên tỉnh gồm 31 tuyến xe buýt. Trong đó có 27 tuyến xe buýt đang hoạt động, 1 tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động và 3 tuyến xe buýt dự kiến mở mới gồm: Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tây Ninh; Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tiền Giang, và Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Biên Hòa.
Hiện TP.HCM đang có 128 tuyến xe buýt hoạt động, gồm 91 tuyến trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Trong đó, 101 tuyến xe buýt nội tỉnh và 27 tuyến xe buýt kết nối đến các tỉnh liền kề gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM khoảng 1 km/km2 - thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 2 - 2,5 km/km2. Ngoài ra, đặc thù của đô thị TP.HCM có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp (58% đường dưới 7m) nên người dân khó tiếp cận giao thông công cộng.
Do mạng lưới xe buýt chưa phủ khắp trên các trục đường nhỏ, cự ly đi lại của người dân đến trạm xe buýt còn xa, các tuyến xe buýt liên tỉnh có chất lượng dịch vụ chưa cao,… nên chưa thu hút được hành khách sử dụng.
Ngày 20.4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 1.
Theo quyết định 4856/QĐ-UBND năm 2019 của UBND TP.HCM, tuyến metro số 1 có mốc tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại vào quý 4/2021. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới đạt khoảng 88% tổng khối lượng công việc.
Nay UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Chính phủ chấp thuận cho thành phố tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công tuyến metro số 1 vào quý 4/2023.
Khởi công năm 2012, dự án metro số 1 ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 17.388 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên thành 43.700 tỉ đồng.
Công trình dài gần 20km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.
Hiện có 15/17 đoàn tàu tuyến metro số 1 đã được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM. Hai đoàn tàu còn lại sẽ được nhập về đầu tháng 5 tới phục vụ công tác chạy thử nghiệm trong năm nay.