WHO: Thống kê ca chết do COVID-19 thấp hơn thực tế rất nhiều, đánh giá thấp tác động của đại dịch
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:11, 22/04/2022
Theo Steve MacFeely, Giám đốc dữ liệu và phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 5,4 triệu người đã chết vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1.2020 đến tháng 12.2021, nhưng con số này “thấp và có vấn đề”.
Một vấn đề là thiếu sự nhất quán trong cách các quốc gia đo lường tác động của đại dịch và đánh giá tỷ lệ tử vong do COVID-19, Steve MacFeely nói trong hội thảo trên web do Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức.
Khả năng tiếp cận với năng lực xét nghiệm và chẩn đoán cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
“Rất nhiều người đã chết bên ngoài hệ thống y tế. Chúng tôi không biết họ chết vì điều gì. Đây là một trong những lý do tại sao những con số mà chúng tôi công bố về tỷ lệ tử vong do COVID-19 trực tiếp cần được bổ sung bằng một biện pháp mạnh hơn”, Steve MacFeely nói.
Quan trọng hơn, số người chết được báo cáo không nói lên toàn bộ câu chuyện về gánh nặng sức khỏe toàn cầu do COVID-19 gây ra và tác động tàn bạo của nó. Steve MacFeely nói số người chết do COVID-19 thực sự sẽ giúp các quốc gia rút ra các bài học kinh nghiệm từ đại dịch này để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.
“Một trong những thách thức với sự chuẩn bị sẵn sàng là bạn cần một số thước đo thành công hay thất bại. Làm thế nào để đánh giá xem bạn đã chuẩn bị hay chưa? Vậy bạn sẽ đánh giá bản thân bằng những chỉ số nào? Những gì chúng tôi thấy là tỷ lệ tử vong trực tiếp là một trong những thước đo. Nhưng trên thực tế, đó là một biện pháp hạn chế… Số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong vượt mức là thước đo tốt nhất để đánh giá xem bạn có chuẩn bị sẵn sàng hay không”, Steve MacFeely giải thích.
WHO cùng Bộ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc đã và đang nghiên cứu tỷ lệ tử vong vượt mức liên quan đến COVID-19 như một thước đo để phản ánh chi phí con người trong đại dịch trên toàn thế giới. Một nhóm tư vấn kỹ thuật toàn cầu gồm hơn 60 nhà nhân khẩu học, dịch tễ học, dữ liệu và xã hội học, cùng các nhà thống kê hàng đầu đã được thành lập vào tháng 2.2021 phát triển một mô hình phức tạp để ước tính dự án.
Tỷ lệ tử vong vượt mức là sự khác biệt giữa tổng số người chết được ghi nhận tại một địa điểm, khoảng thời gian cụ thể với số lượng dự kiến của họ trong trường hợp không xảy ra đại dịch.
Với đại dịch hiện tại, sự khác biệt này được giả định bao gồm các trường hợp tử vong do COVID-19 trực tiếp gây ra cũng như những trường hợp gián tiếp liên quan đến nó thông qua các tác động đến hệ thống y tế và xã hội.
“Biện pháp này tính đến cả tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch… những người chết vì COVID-19 hoặc những người chết vì những lý do khác. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khác gián tiếp được cho do COVID-19, hoặc vì họ không thể đến bệnh viện hoặc sợ đến bệnh viện vì COVID-19. Tất cả những điều này làm tăng thêm tác động rộng lớn hơn”, Steve MacFeely nói.
Vào tháng 5.2021, WHO ước tính 3 triệu người đã chết trực tiếp hoặc gián tiếp vì COVID-19 vào năm 2020, thay vì 1,8 triệu được báo cáo chính thức, nhưng không công bố bảng phân tích chi tiết.
Các tổ chức khác đã cố gắng dự báo tỷ lệ tử vong vượt mức bằng các mô hình của riêng họ.
Tạp chí The Economist (Anh) sử dụng một mô hình máy học để đưa ra ước tính hơn 17 triệu ca tử vong do COVID-19 từ ngày 1.1.2020 đến tháng 12.2021. Trong khi Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) đưa ra con số là 18,2 triệu vào cùng kỳ.
Ở một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand, dữ liệu đăng ký khai tử có sẵn và có thể được sử dụng trực tiếp. Song với phần lớn các nước thế giới, hệ thống đăng ký dữ liệu như vậy yếu hoặc không có. Các quốc gia khác không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này, vì vậy WHO phải xây dựng các mô hình ước tính riêng.
Tờ New York Times đưa tin vào tuần trước rằng WHO đã ước tính tổng số ca tử vong vượt mức trên toàn cầu là 15 triệu người, nhưng việc công bố dữ liệu đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do sự phản đối từ Ấn Độ. Bài báo cũng đưa số người chết của Ấn Độ vì COVID-19 là gần 4 triệu, trong khi con số chính thức chỉ khoảng 520.000.
Jon Wakefield, Giáo sư thống kê của Đại học Washington và cũng là thành viên nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO, cho biết “Bộ Y tế Ấn Độ cho rằng đo lường tử vong vượt mức mà nhóm sử dụng cho nước này là không chính xác”.
Trong phần trích dẫn của một bài báo được đăng trực tuyến giải thích về dự án ước tính tỷ lệ tử vong vượt mức toàn cầu của WHO, Jon Wakefield và các đồng nghiệp giải thích cách nhóm xây dựng các mô hình thống kê khác nhau để ước tính tỷ lệ tử vong theo từng quốc gia thông qua việc mở rộng phương pháp giả định tỷ lệ. Ngoài Ấn Độ, mô hình này cũng được áp dụng cho Argentina, Trung Quốc, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Trung Quốc, chỉ có dữ liệu hàng tháng và hàng năm của địa phương đã được thu thập, ghi chú từ Jon Wakefield và cộng sự cho biết. Ước tính của WHO đã phân loại Trung Quốc trong số các quốc gia “cấp 2” hoặc những quốc gia có ít hơn 12 tháng dữ liệu địa phương.
Steve MacFeely cho biết việc phân loại không đề cập đến chất lượng của dữ liệu mà là tính khả dụng của nó. Theo Steve MacFeely, WHO sẽ nhận thấy sự bất mãn của Ấn Độ.
“Công bằng mà nói chính phủ Ấn Độ không hài lòng với ước tính của chúng tôi và điều đó sẽ được phản ánh trong ấn phẩm. Sẽ có một sự thừa nhận hoặc một tuyên bố lưu ý rằng chính phủ Ấn Độ không bằng lòng”, ông nói và cho biết thêm Ấn Độ là quốc gia duy nhất đưa ra phản đối.
Đại học Washington ước tính tỷ lệ tử vong vượt mức của Trung Quốc là 17.900, trong đó có 10.600 từ tỉnh Hồ Bắc, nơi vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên hơn 2 năm trước.