Chuyên gia WB: Việt Nam như võ sĩ hạng trung nhưng thi đấu ở nhóm hạng nhẹ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:25, 22/04/2022
Xử lý tiêu cực chậm nhưng quyết liệt
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nêu: Nhiều người cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm 2020-2021, thị trường vốn phát triển nhanh như thế liệu có bất bình thường hay không?
“Quả thực thị trường vốn ở Việt Nam tốc độ phát triển có nhanh hơn nhưng trên thế giới thì thị trường vốn cũng có xu hướng tăng lên trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Điều này chứng tỏ đây là quy luật bình thường. Quy mô vốn ở Việt Nam còn nhỏ và tiềm năng thì rất lớn nó thể hiện ở nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi, đang có nhu cầu vốn rất lớn”, ông Cường nói.
Thêm vào đó, chuyên gia này cho rằng nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn, đây là tiềm năng để tiếp cận đầu tư. Tuy nhiên chúng ta có đặc điểm rất khác biệt, đó là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt”, ông Cường nói.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc xử lý tiêu cực trên thị trường tuy được đánh giá là có chậm nhưng chúng ta làm nhanh, quyết liệt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Ngân, với sự phát triển đất nước đến năm 2045, chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đến năm 2025 thì chúng ta vượt qua mức trung bình thấp, điều quan trọng là để đạt được mục tiêu này thì vai trò của các nguồn lực và đặc biệt là vốn đầu tư xã hội rất quan trọng, trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhân dân phải chiếm ít nhất là 50%, vốn đầu tư nước ngoài trên 20% và vốn từ khu vực Nhà nước dưới 30%.
Vốn từ khu vực nhân dân và Nhà nước đó đến từ 3 kênh, từ hệ thống ngân hàng thương mại, từ thị trường cổ phiếu và từ thị trường trái phiếu.
Về thị trường cổ phiếu, ông Ngân cho rằng phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay, nghiêm tất cả các vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả khâu công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đúng quy định.
“Các vi phạm giao dịch xảy ra rất nhiều nhưng xử lý còn đơn giản, chưa có những cảnh báo cho thị trường và cộng đồng nhà đầu tư còn chậm, sợ ảnh hưởng đến bât ổn thị trường chứng khoán. Chúng ta cần xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cỏ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất”, ông Ngân nêu và cho rằng cần phạt tiền gấp nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá và cần sửa Nghị định 156.
“6 con mắt” cho thị trường
Ông Zafer Mustafaeglu, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm thị trường cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%.
“Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ”, đại diện WB nói đồng thời giới thiệu khái niệm “sáu con mắt”. Đây là 6 yếu tố của nền tảng thị trường cần được quan tâm sát sao.
Thứ nhất là thể chế. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng. Giám sát hiệu quả và thực thi hiệu quả chính là chìa khóa.
Thứ hai là hạ tầng. Chìa khóa ở đây là giao dịch và thanh toán hiệu quả và an toàn. Thị trường cần nền tảng để thu thập và chia sẻ thông tin một cách đáng tin cậy kịp thời và đáng tin cậy, bao gồm thông tin về chứng khoán, doanh nghiệp, giá cả và giao dịch. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm là một phần quan trọng của hạ tầng thông tin. Đánh giá định mức tín nhiệm nên được thúc đẩy ở Việt Nam.
Đối với bên phát hành, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ, là doanh nghiệp nhà nước hay dân doanh, là công ty đại chúng hay tư nhân, đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Họ đều là bộ phận của các thị trường vốn.
Ngoài ra, nhà đầu tư chính là máu đưa oxy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán. Nhà đầu tư cần được giáo dục. Nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân.
Liên quan đến các tổ chức trung gian, đại diện WB cho rằng trung gian chứng khoán là một hoạt động đòi hỏi phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ. Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau, ví dụ môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, họ phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào.
Yếu tố cuối cùng là công cụ. Hiểu được các công cụ khác nhau là chìa khóa để ban hành chính sách.
Với những nhiễu loạn hiện nay trên thị trường, WB lưu ý rằng thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn.