Vượt bẫy cảm xúc Kỳ 1 - Tại sao người có tâm trạng ‘tiêu cực’ khó mắc lừa hơn người vui vẻ?
Văn hóa - Ngày đăng : 17:00, 23/04/2022
Từ biểu tượng Mặt Cười
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, Mặt Cười đã được biến đổi thành các chuỗi ký tự và biểu tượng cảm xúc xuất hiện khắp mọi nơi. Cùng với từng tiến bộ - hoặc bước thụt lùi, đối với một số người - trong nền văn hóa tiêu dùng của chúng ta, nơi các chuyên gia tiếp thị tranh nhau đáp ứng những mong muốn mà chúng ta thậm chí còn không biết mình có, sự vui vẻ hân hoan đến từ biểu tượng Mặt Cười càng được ráo riết săn lùng hơn bao giờ hết.
Chẳng phải lúc nào cũng vui vẻ luôn tốt cho chúng ta hay sao? Chẳng phải chúng ta sống vì niềm vui và hạnh phúc hay sao? Câu trả lời còn tùy vào tình huống thực tế.
Cách nay vài năm, hai nhà nghiên cứu LeeAnne Harker và Dacher Keltner của Đại học California tại Berkeley đã lục lại bộ ảnh kỷ yếu của lứa sinh viên năm 1958 và 1960 của trường Cao đẳng Mills, một trường nữ sinh tư thục gần Đại học California, để xem nữ sinh nào cười chân thành và nữ sinh nào cười giả tạo trong các tấm ảnh đó.
Đa số các nhà nghiên cứu về hạnh phúc đều đồng ý rằng nụ cười chân thành và nụ cười giả tạo kích hoạt các nhóm cơ khác nhau, vì vậy Harker và Keltner đã kiểm tra xem cơ gò má lớn (zygomaticus major) hay cơ vòng mi (orbicularis oculi) có đang hoạt động trên khuôn mặt của các nữ sinh trong hình hay không.
Khi chúng ta nở một nụ cười chân thực, hở răng và lộ ra dấu chân chim nơi khóe mắt, cả hai cơ nói trên đều hoạt động. Mặt khác, vì không thể tự ý điều khiển cơ vòng mi, nên nếu chúng ta chỉ ra vẻ hạnh phúc thì nhóm cơ nhỏ nằm gần mắt này sẽ không nhúc nhích. Đây chính là cơ sở để Harker và Keltner xác định độ chân thực của những nụ cười vui vẻ mà các nữ sinh đã thể hiện tại thời điểm chụp ảnh.
Ba mươi năm sau thời điểm bộ ảnh kỷ yếu được chụp, so với những người bạn cùng khóa có nụ cười ít thật hơn, những nữ sinh đã cười tươi tắn và chân thực nhất trong khoảnh khắc màn sập máy ảnh đóng lại đang có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Họ có hôn nhân hạnh phúc hơn, đời sống tinh thần cũng như sức khỏe thể chất tốt hơn và nhìn chung là mãn nguyện hơn với cuộc sống của mình.
Nếu được lựa chọn, hẳn là chúng ta đều thích luôn được vui vẻ, và thực tế thì trạng thái hài lòng mãn nguyện đó thật sự mang lại nhiều lợi ích. Càng có cảm xúc “lạc quan” thì con người càng ít nguy cơ mắc các bệnh tâm lý khác nhau như trầm cảm, bất an và các chứng rối loạn nhân cách.
Các cảm xúc tích cực cũng thúc đẩy chúng ta thành công, giúp chúng ta đưa ra các quyết định chính xác hơn, giúp ta giảm nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ. Trong một số trường hợp, cảm xúc tích cực thậm chí còn giúp mở rộng hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta bằng cách hướng sự chú ý của chúng ta đến những thông tin và cơ hội mới. Các cảm xúc này giúp xây dựng nguồn lực xã hội, thể chất và nhận thức thiết yếu để chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp và có các mối quan hệ đáng tin cậy.
Đến lợi ích của cảm xúc tiêu cực
Với tất cả những lợi ích kể trên, bạn có thể cho rằng sự vui vẻ cũng quan trọng như thực phẩm và ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Tuy nhiên, như chúng ta có thể thấy qua tỷ lệ béo phì và ung thư da ngày càng tăng trong xã hội, những điều tốt đẹp hoàn toàn có thể gây ra tác hại nếu bị lạm dụng. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã cho thấy chúng ta không chỉ có thể lạm dụng sự vui vẻ, mà còn trải nghiệm những phiên bản sai trái của trạng thái này, cũng như cố gắng tìm vui sai cách và sai thời điểm.
Đôi khi những người có mức độ vui vẻ cao thể hiện những hành vi cứng nhắc hơn. Đó là vì tâm trạng ảnh hưởng đến cách não xử lý thông tin. Khi cuộc sống tốt đẹp và chúng ta cảm thấy thật dễ chịu, cũng như khi môi trường an toàn và quen thuộc, chúng ta có khuynh hướng không dành đủ thời gian để suy nghĩ kỹ về bất cứ điều gì quá thử thách - điều này giúp lý giải tại sao những người quá lạc quan có thể kém sáng tạo hơn so với những người có cảm xúc tích cực ở mức độ vừa phải.
Những người vui vẻ thường coi trọng quá mức thông tin ban đầu và bỏ qua hoặc ít chú trọng các chi tiết xuất hiện sau. Điều này thường xảy ra theo dạng hiệu ứng hào quang (halo effect), một thiên kiến nhận thức xuất hiện khi bạn để cho ấn tượng tích cực và lạc quan ban đầu khiến bạn đưa ra những đánh giá không chính xác. Ví dụ, chúng ta tự động cho rằng anh chàng đáng yêu vừa gặp ở bữa tiệc kia là người tử tế chỉ vì anh ấy ăn mặc đẹp và kể một câu chuyện hài hước. Hoặc chúng ta khẳng định rằng người đàn ông trung niên đeo kính xách cặp táp kia thông minh và đáng tin cậy hơn cô gái tóc vàng hai mươi hai tuổi mặc chiếc quần soọc màu hồng tươi.
Cảm xúc mà chúng ta gọi là “tiêu cực” tạo điều kiện cho một quá trình xử lý nhận thức chậm hơn và có hệ thống hơn. Chúng ta bớt ỷ lại vào những kết luận vội vàng và chú ý nhiều hơn đến các chi tiết quan trọng. Bạn có thấy thú vị không khi những thám tử nổi tiếng nhất trong các tiểu thuyết trinh thám luôn là người đặc biệt gắt gỏng hoặc nóng tính, và đứa trẻ vô tư vô tâm nhất trong trường hiếm khi là học sinh giỏi tiêu biểu?
Tâm trạng “tiêu cực” khơi gợi một kiểu tư duy tập trung và cởi mở hơn, giúp bạn thật sự xem xét các dữ kiện một cách mới mẻ và sáng tạo. Khi tâm trạng lắng xuống chính là lúc chúng ta tập trung và đào sâu suy nghĩ. Người đang trong tâm trạng “tiêu cực” có khuynh hướng hoài nghi hơn và khó mắc lừa hơn, trong khi người vui vẻ có thể chấp nhận những câu trả lời hời hợt và tin vào những nụ cười giả tạo. Ai lại muốn nghi ngờ sự thật đang hiển hiện khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp như vậy? Vì vậy, người vui vẻ cứ thế tin tưởng và đón nhận những gì đang bày ra trước mắt.
Theo Vượt bẫy cảm xúc