Truy xuất nguồn gốc – công cụ hỗ trợ trong chuyển đổi số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:17, 24/04/2022
Theo ông Bùi Bá Chính (Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH-CN), truy xuất nguồn gốc trước tiên là một công cụ hỗ trợ trong việc số hóa và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế hiện tại đang được xây dựng trên nền tảng của ISO 22000, cũng như kết hợp với kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn Global GAP. Đó là 2 tiêu chuẩn hàng đầu mà thế giới đang sử dụng đối với sản xuất trong nông nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc theo mã QR
Ông Bùi Bá Chính cho biết QR code được định nghĩa là một dạng của vật mang dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc. QR code chỉ đơn giản là mã hóa một mã số đã được định danh, hoặc mã hóa đường link đến một trang web/công cụ lưu trữ thông tin được doanh nghiệp kê khai lên.
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc và công cụ để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp trực tiếp kê khai thông tin. Cơ sở dữ liệu đó thường sẽ được lưu trữ ở đơn vị cung cấp giải pháp hoặc của doanh nghiệp.
Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia là đơn vị đầu mối để chủ trì xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, nhằm đảm bảo sự kết nối với các hệ thống của bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị cung cấp giải pháp.
Theo ông Chính, khi kết nối, một phần các dữ liệu thuộc phạm vi quản lý sẽ được lưu trữ ở Cổng quốc gia hoặc ở các bộ ngành để phục vụ công tác thanh kiểm tra sau này, hoặc phục vụ cho việc phát triển các thị trường mục tiêu.
Vậy làm sao để lưu trữ thông tin được minh bạch? Lý giải về điều này, ông Chính nhấn mạnh tới “sự kết nối”. Cụ thể, khi có nhiều bên cùng tham gia - từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp cạnh tranh, doanh nghiệp đồng hành, các đơn vị hình thành nên chuỗi cung ứng - thì những thông tin không minh bạch, không đúng sẽ dần bị loại bỏ.
Khi số hóa, kết nối, chia sẻ, chúng ta mới có được lượng dữ liệu lớn để các công nghệ như AI, Blockchain phát huy tác dụng. Từ đó, các đơn vị, doanh nghiệp nào có thông tin chuẩn xác sẽ dần dần có ưu thế trong hệ sinh thái. Và quá trình minh bạch đó là một quá trình lâu dài.
Mã số mã vạch – nền tảng bên trong của truy xuất nguồn gốc
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, mã số mã vạch là một phương thức định danh sản phẩm hàng hóa được ra đời vào năm 1974, xuất phát từ Mỹ. Đến năm 1995, Việt Nam tham gia tổ chức quốc tế và hòa nhập chung vào các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu. Hầu hết các sản phẩm ở siêu thị đều được định danh bằng mã số mã vạch theo tiêu chuẩn mã số mã vạch toàn cầu GS1.
Quá trình hình thành nên chuỗi giá trị của sản phẩm bao gồm rất nhiều các thành phần tham gia. Tuy nhiên đến nay, ít nhất, các sản phẩm cuối cùng trên kệ đã được định danh bằng hệ thống của mã số mã vạch.
“Hầu hết các sản phẩm tham gia vào trong truy xuất nguồn gốc sau này sẽ được mã hóa và định danh theo chuẩn của mã số mã vạch toàn cầu, bởi các mã định danh và mã hóa đó được quốc tế công nhận và được coi là một hệ thống phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay. Và mã số mã vạch là nền tảng bên trong của truy xuất nguồn gốc”, ông Chính cho biết.
Mã vạch sẽ “mã hóa” mã số vùng trồng
Theo phân tích từ ông Chính, khi thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, mã vạch sẽ có nhiệm vụ “mã hóa” mã số vùng trồng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp. Phương thức mã hóa sẽ phụ thuộc vào tiêu chuẩn mã vạch mà đơn vị, doanh nghiệp đang dùng, bao gồm mã vạch một chiều (Code128, code39, UPC, EAN…), mã vạch 2 chiều (QR code, data matrix, các hình thức mã sử dụng sóng, chip điện tử...).
Để đăng ký mã số vùng trồng cho nông sản, ông Lê Nhật Thành (Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đơn vị, doanh nghiệp có thể liên hệ với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật ở tỉnh để được hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Thành, về cơ bản, đơn vị, doanh nghiệp phải nộp một hồ sơ liên quan đến vùng trồng đó, bao gồm diện tích vùng trồng và sổ ghi chép tất cả tác động lên vùng trồng của mình trong suốt quá trình sản xuất (các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, thời điểm sử dụng, mục đích…).
Từ đó, Chi cục sẽ tiếp nhận hồ sơ và đi kiểm tra. Nếu vùng trồng đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, thì Chi cục sẽ làm báo cáo gửi lên, đề nghị Cục cấp mã số vùng trồng đó, phục vụ công tác xuất khẩu. Mã số vùng trồng được quản lý theo các tiêu chí liên quan nhiều đến kỹ thuật, do vậy phải tuân thủ rất nghiêm ngặt.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết mã số vùng trồng có mục đích cơ bản là để truy xuất nguồn gốc, các nước nhập khẩu yêu cầu phải có. Để truy xuất mã số vùng trồng cần phải có hệ thống CNTT.
"Thời gian tới, điều chúng ta đang muốn và cũng phải cố gắng làm là có thể truy xuất từ vườn trồng đến bàn ăn, từ người trồng cho đến khi tới tay người tiêu thụ. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng các hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn để mọi thứ phải minh bạch", ông Thành nhấn mạnh.