Vượt bẫy cảm xúc Kỳ 2 – Nếu biết cách thì nỗi buồn, sự tức giận… có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích

Văn hóa - Ngày đăng : 08:20, 25/04/2022

Nghịch lý của niềm vui là về cơ bản, hành động cố ý đạt được cảm giác vui vẻ không phù hợp với chính bản chất của niềm vui. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ thật sự khi thực hiện các hoạt động mà bạn làm vì bị thu hút bởi chính hoạt động đó chứ không phải vì bất kỳ lý do bên ngoài nào, ngay cả khi lý do đó có vẻ rất hiển nhiên như mong muốn được vui vẻ.

Càng tìm cảm xúc vui vẻ càng trở thành cô đơn

Cố gắng vui vẻ thường tạo ra kỳ vọng, nhưng như chúng ta vẫn thường nói, kỳ vọng không thành sẽ tạo nên nỗi oán giận. Đó là lý do tại sao ngày lễ và các sự kiện gia đình thường dễ khiến người ta thất vọng, thậm chí là đau buồn. Kỳ vọng của chúng ta quá cao đến mức chúng ta gần như không thể tránh được cảm giác thất vọng.

Trong một nghiên cứu, một nhóm người tham gia được cho xem một bài báo giả đề cao những lợi ích của cảm giác vui vẻ; trong khi đó, nhóm đối chứng được đọc một bài báo không đề cập gì đến trạng thái vui vẻ này. Sau đó, cả hai nhóm được xem ngẫu nhiên các đoạn phim do các nhà nghiên cứu lựa chọn sẵn với nội dung hoặc buồn hoặc vui. Khi xem đoạn phim có nội dung vui vẻ, những người đã được bài báo thuyết phục để tin vào giá trị của sự vui vẻ lại cảm thấy kém vui hơn so với những người cũng xem đoạn phim đó nhưng thuộc nhóm đối chứng. Việc đánh giá quá cao trạng thái vui vẻ đã khiến họ kỳ vọng quá cao về cách mọi thứ vận hành và do đó, họ dễ bị thất vọng.

quotevuotbaycamxuc_option-2-1-.jpg

Quá chú trọng vào việc đi tìm cảm giác vui vẻ cũng có thể khiến người ta tự cô lập bản thân. Trong một nghiên cứu khác, khi điền vào bản đánh giá bản thân mỗi ngày, những người tham gia càng đề cao mục tiêu “sống vui vẻ” thì càng có khuynh hướng mô tả bản thân là người cô đơn.

Bên cạnh đó, cảm giác vui vẻ cũng có muôn hình vạn trạng ở những nền văn hóa khác nhau, chính vì vậy người ta rất dễ vui sai cách. Trong nhiều nền văn hóa phương Tây, cảm giác vui vẻ thường được xác định dưới dạng thành tựu cá nhân (bao gồm cả sự thỏa mãn), trong khi ở Đông Á, nó lại gắn liền với sự hòa hợp xã hội. Ở Mỹ, người Mỹ gốc Á thường tìm kiếm trạng thái mãn nguyện, trong khi đa số người Mỹ gốc Âu thích cảm giác hưng phấn. Văn hóa Nhật Bản được xây dựng dựa trên lòng trung thành và mối liên hệ giữa lòng trung thành với cảm giác tội lỗi, còn văn hóa Mỹ lại hướng tới những cảm xúc ít mang tính xã hội hơn như cảm giác tự hào hoặc tức giận. Việc bạn có thể sống vui vẻ trong một nền văn hóa nào đó phụ thuộc không ít vào mức độ đồng điệu giữa cảm xúc của bạn và cách nền văn hóa đó định nghĩa cảm giác vui vẻ.

Lợi ích của cảm xúc khó chịu

Đúng là không có gì vui khi rơi vào tâm trạng khó chịu, và chắc chắn việc liên tục đắm chìm trong các cảm xúc “tiêu cực” không hề có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc trải nghiệm nỗi buồn, sự tức giận, cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi vẫn có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích nhất định, chẳng hạn như:

Khi trải nghiệm những cảm xúc “tiêu cực”, chúng ta có khuynh hướng sử dụng thông tin có căn cứ rõ ràng và cụ thể, nắm bắt chính xác tình hình thực tế và ít có nguy cơ đưa ra những phán xét sai lệch. Tất cả những điều này giúp chúng ta toát ra thần thái của người có năng lực chuyên môn và uy tín, nhờ đó chúng ta có thể trở thành những tác giả hoặc diễn giả có sức thuyết phục hơn.

Một nghiên cứu cho thấy vào những ngày âm u lạnh lẽo khi tâm trạng con người dễ ủ dột, người đi mua sắm nhớ được nhiều chi tiết bài trí bên trong cửa hàng hơn hẳn so với những ngày ấm áp và khiến người ta cảm thấy thoải mái. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi tâm trạng không tốt, chúng ta thường ít tiếp nhận thông tin sai lệch và nhờ vậy, trí nhớ của ta cũng ít bị lẫn lộn.

Nói cho cùng, khi bạn đã cảm thấy thoải mái rồi thì có lý do gì để tự thúc đẩy bản thân nữa? Trong các bài kiểm tra học lực, khi có tâm trạng u sầu, người ta thường cố gắng trả lời nhiều câu hỏi hơn - và có số câu trả lời đúng nhiều hơn - so với khi cảm thấy vui vẻ. Các bậc phụ huynh có thể lưu ý vấn đề này và cố gắng đừng để con mình vui vẻ thái quá trước kỳ thi.

vuotbaycamxuc-16-.jpg

Những người ở trong trạng thái ít hưng phấn hơn thường thận trọng hơn, chu đáo hơn và thường vô thức bắt chước cử chỉ cũng như lời nói của người mà họ đang tương tác - một hành vi đã được chứng minh là có thể củng cố mối liên kết xã hội. Khi cảm thấy sảng khoái, chúng ta tự tin khẳng định bản thân hơn, điều này đồng nghĩa với việc ta tập trung nhiều hơn vào cái tôi của mình và dễ bỏ qua những điều tốt đẹp nơi người khác hoặc những gì họ đang trải qua.

Những người có tâm trạng không quá vui vẻ thường chú ý hơn đến sự công bằng và có khuynh hướng từ chối tiếp tay cho sự bất công.

Một nghiên cứu có đối tượng là những người có quan điểm chính trị mạnh mẽ cho thấy những người đang tức giận thường chọn đọc nhiều bài viết bất đồng quan điểm với ý kiến của họ thay vì sa vào thiên kiến xác nhận - một khuynh hướng phổ biến mà trong đó người ta tìm kiếm những thông tin giúp xác nhận hoặc củng cố niềm tin của mình.

Sau khi tìm hiểu những quan điểm trái ngược đó, họ trở nên cởi mở hơn với việc thay đổi suy nghĩ của mình. Có vẻ như sự tức giận tạo ra tâm lý “chinh phục sự phản đối” và thôi thúc chúng ta tìm hiểu quan điểm của phía đối lập với mục đích bẻ gãy lập luận của họ, nhưng nghịch lý là chính vì hiểu rõ quan điểm của đối phương nên chúng ta cũng dễ bị họ thuyết phục hơn.

H.V