Vụ Việt Á, thao túng chứng khoán… gây bức xúc dư luận
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:46, 25/04/2022
Sáng 25.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Theo báo cáo số 114/BC-CP của Chính phủ, nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn,vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển KT-XH, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong nước và từ nước ngoài cho phòng, chống dịch bệnh và phát triển KT-XH.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vẫn tăng trưởng dương; kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm, thu NSNN vượt dự toán,…
Tuy nhiên, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập, như: kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép lạm phát tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy,...
Nguyên nhân do, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động; hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thuý Chinh đánh giá, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu "nóng"; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Hoạt động giao dịch, thương mại điện tử, kinh doanh tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà đến nay vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ để quản lý vấn đề này.
Ngoài ra, năm 2021, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Trong năm qua còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Bà Chinh cũng nêu, việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn xảy ra các vi phạm pháp luật trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương, làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch COVID-19 bùng phát để trục lợi, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, công tác quy hoạch đất đai còn chậm. Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh còn chậm, chưa hiệu quả. Vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước còn xảy ra.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ còn tình trạng khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép, giấy phép hết hạn; khai thác vượt mức sản lượng gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản và ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường. Báo cáo chưa đề cập tới việc quản lý, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021), ước thu ngân sách trung ương năm 2021 hụt thu khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ báo cáo thu ngân sách trung ương ước tăng 6,7% so với dự toán, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý thu ngân sách trung ương trong những tháng cuối năm 2021, song điều này cũng thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn.
Mặc dù Quốc hội có Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách trung ương và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp…