Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản - rủi ro nhất trên thị trường vốn

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:40, 25/04/2022

Việc thiếu vắng các thông tin về xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường hạn chế khiến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trở thành rủi ro lớn nhất trên thị trường vốn hiện nay.

Áp lực gia tăng lạm phát

Đánh giá thực trạng ổn định vĩ mô và lành mạnh tài chính, báo cáo của Trường đại học Kinh tế quốc dân cho thấy mức tăng trưởng tiềm năng đối với nền kinh tế Việt Nam nằm trong khoảng 6,12 - 6,32%/năm.

Như vậy, trong 2 năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng rất xa, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống.

Mặc dù tăng trưởng vẫn chưa rơi vào ngưỡng cảnh báo khủng hoảng nhưng đây rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp (những người đi vay), theo đó, gia tăng rủi ro tín dụng, báo cáo nêu.

Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay đều ở mức thấp và dưới ngưỡng gây hại cho hoạt động kinh tế nhưng nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu.

lp.jpg
Áp lực gia tăng lạm phát

Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 và tỷ lệ M2/GDP ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Xét trong dài hạn, khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền gia tăng sẽ là yếu tố tác động lên lạm phát trung hạn, dài hạn.

Ngoài ra, tác động của chính sách tiền tệ-tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ trở nên rõ nét hơn vào các năm sau và chắc chắn gây ra áp lực tăng giá.

Về phía thị trường quốc tế, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế lớn gây nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” và sự gia tăng mạnh của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu dẫn đến khả năng gây ra lạm phát “chi phí đẩy” cho nền kinh tế.

Như vậy, thách thức lớn cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới là từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát. Dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất.

“Với áp lực gia tăng lạm phát và trong điều kiện nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng đòi hỏi Chính phủ cần thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng một cách thận trọng, sao cho tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, đưa nền kinh tế dần trở về trạng thái tiềm năng nhưng không gây ra lạm phát cao trong trung-dài hạn”, báo cáo nêu.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản rủi ro

Báo cáo nhận định, doanh nghiệp phi tài chính niêm yết là những doanh nghiệp khỏe nhất của nền kinh tế, về cơ bản không chịu tác động quá tiêu cực từ đại dịch, tỷ suất sinh lời tăng trở lại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp niêm yết, với lợi thế về tiếp cận vốn, đã tối ưu hóa kết quả kinh doanh và sinh lời bằng cách tăng cường dòng vốn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản (BĐS), mang tính đầu cơ. Lượng vốn đổ vào kinh doanh chứng khoán và BĐS lớn nhất từ trước tới nay về quy mô và tỷ trọng.

Việc tăng đầu tư, đầu cơ vào thị trường chứng khoán (TTCK) và BĐS có thể giúp các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, nhưng rủi ro là các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi TTCK và BĐS có biến động, nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh có thể bị thu hẹp lại.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đầu cơ vào TTCK và BĐS cho thấy cầu tiêu dùng yếu, việc mở rộng sản xuất kinh doanh không hiệu quả, dòng tiền dư thừa đổ vào đầu cơ, góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và giá BĐS.

trai-phieu-4.jpeg
Trái phiếu doanh nghiệp BĐS trở thành rủi ro lớn nhất trên thị trường vốn

Các dòng vốn đổ vào BĐS có xu hướng gia tăng ở các phân khúc đầu cơ (đất nền vùng ven các thành phố lớn). Thị trường BĐS phát triển nóng ở phân khúc đầu cơ sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy để đầu cơ, rủi ro nợ xấu với ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động.

Ngoài ra, do mua với tính chất đầu cơ, một lượng lớn đất không được khai thác, gây lãng phí tài nguyên, không tạo được nguồn thu bền vững cho ngân sách, một lượng vốn không chảy vào sản xuất, nghiên cứu. Khi đất đai bị mua đi bán lại với mục đích đầu cơ, các khoản thu một lần từ đất trả cho nhà nước cũng rất thấp.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chiếm khoảng 20,11% dư nợ toàn hệ thống. BĐS là một trong những ngành kinh tế có tỷ trọng nợ lớn nhất của hệ thống. Các diễn biến này cho thấy thị trường BĐS vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

“Trong bối cảnh thị trường sôi động ở các phân tích mang tính đầu cơ, thị trường BĐS có thể tạo rủi ro chéo lớn hơn tới ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2022 nếu lạm phát gia tăng lớn hơn kỳ vọng khiến chính sách tiền tệ phải đảo chiều”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra, dòng vốn đổ vào BĐS còn được hỗ trợ từ trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2021, BĐS là ngành phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất, chiếm tỷ trọng gần 40% lượng phát hành; tương đương 285,6 nghìn tỉ đồng (tăng 64% so với năm 2020). Trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Theo FiinRatings, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết này đầu hết là phát hành riêng lẻ cho các bên mua chính là ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán.

Ngoài ra, việc thiếu vắng các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường rất hạn chế khiến trái phiếu doanh nghiệp BĐS trở thành rủi ro lớn nhất trên thị trường vốn hiện nay.

Lam Thanh