Loay hoay tìm đầu ra cho vựa trái cây ĐBSCL
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:35, 25/04/2022
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng nơi đây còn nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon. Cây ăn trái từ lâu cũng đã được một số nơi ở ĐBSCL chuyên canh và coi là thế mạnh của địa phương.
Diện tích cây ăn trái ở vùng ĐBSCL ngày một được mở rộng nhưng kèm theo đó đầu ra của mặt hàng này ngày càng khó khăn. Một trong những nguyên nhân là trái cây ở nước ta phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ là Trung Quốc, trong khi đường xuất khẩu sang các thị trường khác vẫn còn xa vời.
Một trong những loại cây ăn trái được nhà vườn trồng nhiều những năm qua là mít Thái. Loại cây này có diện tích rộng nhất ở Tiền Giang, Hậu Giang và các địa phương khác như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng… "Giấc mộng mít" bắt đầu nhiều năm trước khi giá thu mua cao ngất ngưởng, mỗi quả có khi lên đến cả triệu đồng. Nông dân thi nhau trồng, còn thương lái thì ồ ạt mua. Và cũng như nhiều nông sản khác, mít Thái được tiêu thụ chính ở Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên đến thời điểm này, mít Thái đã qua giai đoạn hoàng kim của nó. Nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL vướng cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, việc ách tắc ở cửa khẩu với Trung Quốc đã đẩy mít Thái cũng như nhiều loại trái cây, nông sản khác vào thế khó.
Anh Phan Văn Nghĩa, người trồng mít ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho biết, nếu xuất khẩu ổn định thì giá mít Thái hay vú sữa sẽ có giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Còn khi giao thương ách tắc, giá 2 mặt hàng này tụt dốc còn từ 5.000-8.000 đồng/kg hoặc thấp hơn. Tình trạng này diễn ra khiến thương lái không còn mặn mà hoặc mua cầm chừng. Trong khi đó, với mức giá này, người trồng cũng không đủ chi phí trang trải, phải bỏ trái để chờ vụ sau.
Việc mặt hàng nông sản ách tắc ở biên giới không phải mới. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc mỗi ngày đòi hỏi mỗi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu đều mong có thêm thị trường để tiêu thụ trái cây.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trong quý 1/2022, sản lượng trái cây ở các tỉnh thành phía Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn, diện tích cây ăn trái của ĐBSCL chiếm 70% cả nước. Trong đó, thanh long 240.000 tấn, chuối 250.000 tấn, xoài 244.000 tấn, mít 158.000 tấn, bưởi 143.000 tấn, cam 132.000 tấn và dứa khoảng 127.000 tấn… Hàng triệu tấn trái cây chỉ trong một quý đặt ra cho địa phương, ban ngành về mặt quản lý, tìm thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt phân tích, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi. Việc bảo quản và chế biến trái cây cần được đẩy mạnh. Để đạt các điều kiện, chỉ tiêu của các quốc gia nhập khẩu, vùng trồng cây ăn trái cần được quản trị, cấp mã số vùng, xây dựng quy trình đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh…
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tập trung xuất khẩu vào một thị trường thông qua đường tiểu ngạch sẽ dẫn đến bị động. Để giải bài toán này cần bắt tay làm nhiều việc, trong đó có việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, mang lại giá trị cao…
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Bến Tre cho biết, để trái cây hay bất cứ nông sản nào vào thị trường Mỹ, châu Âu phải chấp nhận yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, vùng nguyên liệu, biện pháp canh tác, tiêu chuẩn của sản phẩm...
Để làm được điều này, cả doanh nghiệp và người dân phải cam kết với nhau, minh bạch thông tin chất lượng. Bước tiến này đặt ra thách thức trách nhiệm không chỉ của nông dân, doanh nghiệp mà còn là tầm nhìn của bộ ngành, địa phương vì một mục tiêu chung đưa trái cây ĐBSCL ra khắp thế giới.