Tiêm vắc xin COVID-19 vẫn là lá chắn quan trọng trong phòng chống dịch

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:35, 26/04/2022

Ngày 26.4, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ có những hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho một số đối tượng, đồng thời tiêm mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi.

Vắc xin vẫn là lá chắn quan trọng nhất trong phòng chống dịch COVID-19

Theo Bộ Y tế, sau một năm triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiêm chủng được hơn 212 triệu liều, trong đó tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin hiện nay thuộc những nước đứng đầu thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi một cách an toàn chính là “mảnh ghép” cuối cùng trong công tác tiêm chủng để phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Với nhóm đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện nay vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2. Bộ Y tế cũng đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vắc xin, đồng thời chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vắc xin khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước… để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo dự kiến của Bộ Y tế, trong tháng 4.2022 có khoảng 6 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 2/2022.

tiem-12.jpg
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh

Nói về công tác triển khai tiêm vắc xin cho trẻ, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin COVID-19 đợt này. Về tiến trình tiêm vắc xin cho trẻ, theo bà Hồng, 63 tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm từ tháng 4.2022, ngay sau khi được cung ứng vắc xin. Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện tại các trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

Với lo lắng của các phụ huynh học sinh về phản ứng sau tiêm của trẻ, theo PGS-TS Hồng, sau khi triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến dưới 17 tuổi, chỉ có 0,5 - 10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận. "Trong hơn 17 triệu mũi đã tiêm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin có phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị", bà Hồng dẫn chứng. Cụ thể, với vắc xin Pfizer sử dụng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, các báo cáo cho thấy phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi này là tại vị trí tiêm chiếm trên 80%, kiệt sức chiếm trên 50%, đau đầu trên 30%, tấy đỏ và sưng tại nơi mũi tiêm trên 20%, đau cơ và ớn lạnh trên 10%.

Với vắc xin Moderna, Bộ Y tế quy định không dùng cho trẻ 5 tuổi mà từ 6 - 11 tuổi. Khi trẻ tiêm vắc xin Moderna, phản ứng rất thường gặp gồm triệu chứng sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, ở trên xương đòn; đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng thường gặp như tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp như chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp như giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. Phản ứng rất hiếm gặp gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Phản ứng phản vệ, quá mẫn, đau bụng ghi nhận tần xuất không xác định. Các chuyên gia cũng cảnh báo một số biểu hiện bất thường như như kích thích, vật vã, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh có thể là các chỉ điểm rất sớm cho tình trạng viêm cơ tim.

Tiêm vắc xin COVID-19 ở trẻ không ảnh hưởng tới vắc xin khác

Để bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm, theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau khi tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Không nên cho trẻ uống các chất kích thích, ít nhất trong 3 ngày đầu sau khi tiêm chủng; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm; tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng, đau.

Trả lời về việc nếu trẻ em tiêm vắc xin COVID-19 cần chú ý những gì, các chuyên gia y tế cũng đã nêu rõ một số câu hỏi khi phụ huynh đưa con đến tiêm chủng.  Đối với trẻ tiêm chủng vắc xin COVID-19, phụ huynh nên theo dõi và báo cho bác sĩ biết những bệnh thường gặp ở con mình. Phụ huynh cũng phải trả lời câu hỏi trẻ có bị rối loạn đông máu, trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống, trẻ đã được tiêm vắc xin khác, trẻ đã từng ngất liên quan đến tiêm thuốc... Cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, cha mẹ cũng nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ để nhân viên nắm được.

Theo ý kiến của TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), điều cần quan tâm với phản ứng sau tiêm ở trẻ em 5 - 11 tuổi là các biểu hiện liên quan tim mạch, viêm cơ tim. Dù tỷ lệ thấp, vẫn phải cảnh giác để sớm phát hiện các triệu chứng như mệt mỏi sau tiêm, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực của trẻ. Các khuyến cáo trước đó về việc theo dõi sau tiêm vắc xin cần được đề cao và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5 - 11 tuổi. Phụ huynh không để trẻ một mình sau khi tiêm, ít nhất là 3 ngày. “Trong thời gian này, chúng ta cần theo sát trẻ để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác”, TS Hải lưu ý.

Dạ Thảo