Dùng thủ đoạn gian dối, cặp vợ chồng chiếm đoạt gần 150 tỉ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:25, 27/04/2022
HĐXX TAND tỉnh Vĩnh Phúc vừa quyết định tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Hải Yến (SN 1960, trú tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) tù chung thân; Nguyễn Tuấn Anh (SN 1959, trú tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) 15 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, làm mất trật tự trị an tại địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; thậm chí còn gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến kinh tế, xáo trộn cuộc sống sinh hoạt và làm rạn nứt, đổ vỡ hạnh phúc nhiều gia đình…
Trong vụ án này, HĐXX xác định Đỗ Thị Hải Yến là người khởi xướng, chủ mưu, lợi dụng danh nghĩa Công ty Việt Xô và uy tín của Cửa hàng vàng bạc Oanh Vân, trực tiếp đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền gửi của người khác rồi chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Hành vi của Nguyễn Tuấn Anh là đồng phạm với Đỗ Thị Hải Yến.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc Đỗ Thị Hải Yến, Nguyễn Tuấn Anh phải bồi thường cho các bị hại với tổng số tiền gần 150 tỉ đồng.
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2012 đến tháng 6.2019, Đỗ Thị Hải Yến và Nguyễn Tuấn Anh Anh (hai vợ chồng) đã dùng thủ đoạn gian dối nhận tiền, vàng và ngoại tệ của 186 người, tương đương hơn 162 tỉ đồng, sau đó trả lãi thời gian đầu cho người gửi tiền với tổng số tiền là hơn 19 tỉ đồng, và trả gốc hơn 10 tỉ đồng, còn lại vợ chồng Yến chiếm đoạt của 186 người gần 150 tỉ đồng.
Thông tin gian dối
Theo cáo trạng, quá trình kinh doanh vàng bạc từ cuối năm 2007 đến tháng 2.2012, vợ chồng Đỗ Thị Hải Yến đã dùng toàn bộ tài sản gồm đất và nhà để thế chấp vay vốn ngân hàng, duy trì hoạt động kinh doanh của công ty và kinh doanh bất động sản.
Đến năm 2012, do thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều bất động sản trước đó vợ chồng Yến mua với giá cao nhưng đến năm 2012 giá giao dịch xuống còn chỉ còn một nửa nên không thanh khoản được.
Trong thời gian này, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, cấm các doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 100 tỉ đồng kinh doanh mua bán vàng miếng, đồng thời không cho các doanh nghiệp vàng bạc vay tiền ngân hàng, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ của Công ty Việt Xô không nhiều và cũng không có hoạt động kinh doanh gì khác.
Trong khi đó, công ty còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước (nộp thuế), chi trả lương nhân viên và các chi phí khác phát sinh trong quá trình hoạt động. Vì vậy, tình hình tài chính của Công ty Việt Xô gặp rất nhiều khó khăn.
Toàn bộ quá trình thành lập, thay đổi, bổ sung đăng ký kinh doanh của Công ty Việt Xô đều không có ngành nghề kinh doanh, huy động tiền gửi, kinh doanh tiền tệ như các tổ chức tín dụng.
Nhưng từ năm 2012 - 2019, Đỗ Thị Hải Yến đã lợi dụng việc chồng là Nguyễn Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Việt Xô) ủy quyền cho Yến quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Việt Xô, nên đã lấy danh nghĩa của Công ty Việt Xô và uy tín của Cửa hàng vàng bạc Oanh Vân số 1 thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Cáo trạng xác định thủ đoạn của Yến là tự đưa ra thông tin gian dối. Cụ thể, cửa hàng vàng bạc Oanh Vân số 1 - Công ty Việt Xô kinh doanh thu lợi nhuận rất cao, cần có thêm nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh; đồng thời đưa ra mức lãi suất nhận tiền gửi từ 1% đến 2,4%/tháng, cao gấp từ 1,5 - 3,5 lần mức lãi suất huy động tiền gửi do ngân hàng nhà nước quy định.
Cùng với đó, Yến hứa hẹn và cam kết thanh toán tiền lãi và tiền gốc đầy đủ trong hạn 1 tháng, nếu không lấy lãi sẽ tự động cộng dồn thành tiền gốc, nếu muốn rút tiền gốc trước hạn thì thông báo trước 15 ngày với thủ tục thuận tiện... để nhận tiền gửi của khách hàng rồi sử dụng vào mục đích cá nhân hết.
Lãi suất tùy thuộc vào mối quan hệ
Khi thực hiện hành vi nhận tiền và vàng của những người đến gửi, Yến thiết lập sổ nhận tiền gửi, mẫu hợp đồng huy đồng tiền gửi, giấy gửi tiền, giấy đảm bảo vàng rồi chỉ đạo, phân công các nhân viên thực hiện.
Khi có người đến gửi tiền, nếu Yến ở cửa hàng thì sẽ trực tiếp trao đổi, thỏa thuận về mức lãi suất, thời gian gửi tiền. Sau đó các nhân viên kiểm đếm tiền, soạn thảo hợp đồng huy động tiền gửi đưa cho Yến ký đại diện Công ty Việt Xô (bên nhận gửi), đóng dấu của Công ty Việt Xô sau đó vào sổ tiền gửi mà Yến đã thiết lập.
Trường hợp vắng mặt thì Yến sẽ ký sẵn vào tập mẫu giấy gửi tiền hoặc hợp đồng huy động tiền gửi. Khi có người đến gửi tiền, nhân viên trực tiếp trao đổi, thỏa thuận, hoặc gọi điện thoại cho Yến nếu Yến đồng ý thì nhận tiền gửi và viết vào mẫu hợp đồng đã được Yến ký sẵn.
Hằng ngày, Yến giao cho nhân viên khoảng vài trăm triệu đồng để tại két sắt và ngăn kéo quầy để tiện thanh toán cho các hoạt động kinh doanh vàng của cửa hàng, cũng như trả tiền lãi cho khách hàng.
Yến chỉ đạo nhân viên cách tính tiền lãi theo số ngày thực tế được hưởng lãi trong tháng, lãi suất tùy theo người gửi mà Yến quy định được hưởng, tùy thuộc mối quan hệ thân thiết và số tiền gửi mà hưởng lãi suất cao hơn, từ 1% - 2,4%/tháng; có trường hợp trả lãi theo lãi suất ngày là 1.000 đồng/triệu/ngày (tương ứng 36%/năm).
Toàn bộ số tiền mà người ta đem đến cửa hàng vàng bạc Oanh Vân gửi vào Công ty Việt Xô để lấy lãi suất cao, Yến và Tuấn Anh không đưa vào hạch toán của Công ty Việt Xô mà sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân, trả lãi ngân hàng, trả lãi cho chính người gửi tiền hoặc dùng tiền của người gửi sau trả gốc và lãi cho người gửi trước dẫn đến mất hoàn toàn khả năng thanh toán tiền gốc và tiền lãi cho người gửi tiền.