Vitamin C giúp biến tế bào thường thành tế bào gốc
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 05:58, 23/09/2014
GS Shinya Yamanaka và các đồng nghiệp ở Đại học Kyoto đã tạo ra tế bào gốc đa năng cảm ứng đầu tiên từ năm 2006. Năm 2012, Yamanaka và John Gёrdonom cùng nhận giải Nobel về khám phá này.
Trong thời gian đó, các kỹ sư sinh học cũng đã đạt được rất nhiều kết quả. Tuy nhiên, để chuyển đổi tế bào bình thường thành tế bào gốc đa năng vẫn không hề dễ dàng.
Hiện nay, để thu được tế bào gốc từ tế bào thông thường có một số cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, tái lập trình. Với cách này, nếu đưa các gien có các yếu tố phiên mã - Oct4, Sox2, Klf4, c-Myc, và Nanog, ... vào các tế bào bình thường thì tế bào bình thường sẽ đẻ ra tế bào gốc và có tính chất đa năng, rồi sau đó có thể bắt các tế bào mới này biến thành các tế bào của một mô hoặc nội tạng cụ thể nào đó.
Khó khăn chính là làm thế nào để đưa các gien lạ vào tế bào. Và một vấn đề nghiêm trọng khác nữa là, thường rất hay gặp phải các nguy cơ tác dụng phụ tiêu cực khác nhau trong quá trình tái lập trình tế bào. Ví dụ, các tế bào có thể tạo thành khối u hoặc bị cơ thể của bệnh nhân đào thải.
Các nhà khoa học của Đại học New York đã đưa ra một phương pháp ít xâm lấn khi chuyển đổi các tế bào bình thường thành tế bào gốc đa năng. Với mục đích này, họ không tái lập trình các tế bào, tức là không đưa gien vào tế bào mà sử dụng ba thành phần hóa học: hai phân tử Wnt và TGF-β làm nhiệm vụ điều tiết đường tín hiệu trong tế bào, đồng thời chịu trách nhiệm các quá trình tăng trưởng của tế bào, và điều ngạc nhiên là, thành phần thứ ba lại là vitamin C thông thường
Theo các nhà khoa học, các tính chất này của vitamin C mới được phát hiện gần đây, và cả ba thành phần này đều không gây tác dụng phụ tiêu cực.
Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, sử dụng phương pháp này có thể biến đổi tế bào da thành tế bào gốc đa năng nhiều hơn 20 lần so với các phương pháp khác.
Theo TS Matthias Stadtfeld, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cách tiếp cận này giúp cho số lượng tế bào gốc tăng lên đáng kể như vậy, sẽ là đóng góp có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của lĩnh vực y học tái tạo. Và điều quan trọng là, các thành phần tham gia chuyển hóa tế bào thường thành tế bào gốc không gây tác dụng phụ tiêu cực.
"Rõ ràng cách tiếp cận này làm giảm nguy cơ tác dụng phụ. Đây là một thực tế rất quan trọng cần được xem xét trong các nghiên cứu trong tương lai", TS Stadtfeld nói.
Lê Trung (theo Infox.ru)