Elon Musk mua lại Twitter: Kẻ ngợi ca, người quan ngại

Quốc tế - Ngày đăng : 11:38, 28/04/2022

Cựu nữ diễn viên phim “The Good Place” Jameela Jamil đã rời bỏ mạng xã hội Twitter sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại MXH này với giá 44 tỉ USD. “Tôi sợ rằng sự hứa hẹn tự do ngôn luận sẽ thúc đẩy nền tảng địa ngục này đạt tới hình thức cuối cùng của nó là sự hận thù hoàn toàn vô pháp”, cô nói.

Cô cũng nói cô rời bỏ nền tảng này vì sợ rằng môi trường mạng xã hội (MXH) này, từ nay thuộc sở hữu riêng của Elon Musk, không biết sẽ thay đổi ra sao. Cô đã gửi đi một thông điệp cuối cùng tới những người theo dõi mình kèm theo 4 tấm hình cô chụp với chú chó cưng và chia sẻ nỗi lo lắng rằng hứa hẹn tự do ngôn luận của Musk sẽ dẫn đến những ứng xử có hại hơn nữa trên MXH này.

Nhiều ngôi sao hạng A của Hollywood cũng lên twitter chia sẻ những suy nghĩ đối nghịch nhau về việc Twitter đổi chủ. Rob Reiner, ngôi sao sitcom All In The Family của kênh truyền hình CBS trong những năm 1970, viết: “Bây giờ, khi Elon Musk đã mua Twitter, câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là: Liệu anh ta (Musk) có cho phép một kẻ tội phạm đã dùng nền tảng này để nói dối và lan tỏa thông tin sai lạc nhằm tìm cách lật đổ Chính phủ Mỹ (ám chỉ cựu Tổng thống Donald Trump) được quay trở lại và tiếp tục hành vi tội phạm của ông ta hay không? Nếu anh ta cho phép điều đó, chúng ta sẽ đấu tranh chống lại như thế nào?”

Reiner đã nhận được hàng ngàn phản hồi qua đó những người dùng Twitter cho thấy họ nghĩ MXH này sẽ ra sao dưới quyền ông chủ mới.

Trong khi đó, diễn viên và cựu rapper Ice-T thì bày tỏ ủng hộ việc người giàu nhất thế giới mua lại Twitter. Một ngôi sao khác là Ice Cube cũng vui mừng trước việc Elon Musk mua lại Twitter và viết: “Cuối cùng là tự do”. Còn diễn viên Simu Liu, ngôi sao phim Marvel 2021, Shang-Chi, đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ không có gì tốt hơn để làm với 44 tỉ USD hay sao?”. Kevin Jonas thì thắc mắc: “Liệu bây giờ chúng ta có được biên tập, sửa chữa các tweet của mình?”

Diễn phim phim Star Trek, George Takei cũng bày tỏ lo ngại về việc Musk mua Twitter nhưng ông nói sẽ không rời bỏ MXH này vì những kẻ cực đoan có được một nền tảng rộng lớn hơn có nghĩa là những người ôn hòa như ông càng phải ở lại.

“Tôi sẽ không đi đâu cả”, Takei nay đã 85 tuổi, nói tiếp: “Nếu như chỗ này trở nên độc hại hơn, tôi hứa sẽ cố gắng cật lực hơn nhằm nâng cao lý trí, khoa học, sự cảm thông và nền pháp trị. Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít, thông tin sai lạc và thù hận đòi hỏi những chiến binh kiên cường. Tôi hy vọng các bạn ở lại trận chiến, ngay cạnh tôi”.

Ông đùa rằng Elon Musk đã tự đặt ra cho mình một thách thức: “Những vấn đề mà Elon Musk phải đối mặt với tư cách chủ sở hữu một công ty MXH sẽ khiến anh ta đẩy nhanh đáng kể các kế hoạch trốn thoát lên sao Hỏa”.

elon-musk.png
Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD

Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền cũng nêu lên lo ngại về diễn ngôn thù hận trên Twitter và về quyền lực mà tỷ phú Elon Musk, một người tự cho là ủng hộ tuyệt đối tự do ngôn luận, có được sau khi mua Twitter. Musk nói Twitter cần trở thành một diễn đàn tự do ngôn luận đích thực và từng chỉ trích chính sách điều hợp nội dung trên nền tảng MXH này. Musk mô tả tự do ngôn luận như “hòn đá tảng của một nền dân chủ vận hành thực sự”.

Những người đấu tranh cho nhân quyền thì cho rằng Twitter không phải là một công ty như bất kỳ công ty nào khác. “Bất kể ai là sở hữu chủ Twitter thì công ty này cũng có trách nhiệm nhân quyền là tôn trọng quyền của mọi người trên khắp thế giới dựa trên nền tảng này. Những thay đổi về chính sách, điểm nổi bật và thuật toán dù lớn dù nhỏ có thể đưa đến những tác động không tương xứng và đôi khi có tính hủy hoại, bao gồm cả bạo lực ngoại tuyến”, Deborah Brown, một nhà nghiên cứu về quyền kỹ thuật số và nhà hoạt động tại Human Rights Watch, nói với hãng Reuters.

“Tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối, đó là lý do vì sao Twitter cần đầu tư vào nỗ lực nhằm bảo vệ an toàn cho những người dùng dễ bị tổn thương nhất”, bà nói thêm.

Twitter không phản hồi ngay yêu cầu bình luận về những quan ngại do các nhóm đấu tranh cho nhân quyền nêu ra.

Nói với hãng Reuters, giám đốc chấp hành của tổ chức Liên hiệp Đấu Tranh Cho Dân Quyền Mỹ (American Civil Liberties Union), Anthony Romero cũng cho rằng "có nhiều mối nguy khi quá nhiều quyền lực tập trung vào trong tay của bất kỳ một cá nhân nào”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói, sau khi Elon Musk mua lại công ty, rằng họ quan tâm đến bất kỳ quyết định tiềm tàng nào của Twitter có khả năng làm xói mòn việc thực thi các chính sách và cơ chế nhằm hạn chế diễn ngôn thù hận trên MXH này.

Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, lại nêu quan ngại từ một góc độ khác. Bezos tự hỏi liệu đồng nghiệp tỷ phú Elon Musk có làm cho Twitter dễ bị tổn thương hơn dưới sức ép từ Trung Quốc, vì Musk có những hoạt động kinh doanh rộng lớn ở quốc gia châu Á này.

“Câu hỏi thú vị: liệu chính phủ Trung Quốc có thêm được ít đòn bẩy trên quảng trường thành phố (từ mà Elon Musk dùng để chỉ Twitter)?”, Bezos - người đã mua lại The Washington Post vào năm 2013 với mục đích bảo vệ tự do ngôn luận và ủng hộ báo chí, bình luận như vậy khi dẫn lại một tweet của một nhà báo New York Times, theo đó công ty Tesla của Elon Musk cực kỳ dễ bị thương tổn ở Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Tesla và các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp các linh kiện pin xe điện cho công ty của Musk.

Twitter bị cấm ở Trung Quốc nhưng người ta lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể tìm cách làm cho người dùng Twitter ở nước ngoài ngưng chỉ trích chính phủ nước này.

Nhiều giờ sau tweet trên, Bezos dường như muốn làm giảm nhẹ nhận xét trước của mình: “Câu trả lời của riêng tôi cho câu hỏi trên có lẽ là không. Kết cục có khả năng xảy ra hơn trong vấn đề này là sự phức tạp cho Tesla ở Trung Quốc hơn là sự kiểm duyệt trên Twitter. Nhưng hãy chờ xem. Musk cực kỳ giỏi trong việc lèo lái qua những thứ phức tạp như vậy”.

Bezos và Musk là những đối thủ cạnh tranh trên không gian. Và cả hai đều dành những khoản tài sản lớn cho công cuộc thám hiểm không gian.

 

Quỳnh Yên