Một cá thể Chà vá nguy cấp, quý hiếm được giao cho vườn quốc gia Cúc Phương
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:54, 28/04/2022
Ngày 28.4, thông tin từ VQG Cúc Phương (Ninh Bình) cho biết đơn vị vừa tiếp nhận, cứu hộ một cá thể Chà vá chân nâu nặng 14 kg để theo dõi chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp.
Trước đó, vào ngày 12.4, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bàn giao cá thể Chà vá chân nâu cho VQG Vũ Quang chăm sóc. Tuy nhiên, VQG Vũ Quang chưa có trung tâm cứu hộ, bảo tồn phát triển sinh vật nên chưa đủ điều kiện cứu hộ loài Chà vá chân nâu, vì vậy đã đề nghị VQG Cúc Phương tiếp nhận, cứu hộ.
Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt), trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền Trung của Lào. Trong khi đó, các quần thể của loài này bị phân tán và chia cắt khá mạnh bởi việc phá rừng và xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, làm đường giao thông,….
Các vùng phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu ở Việt Nam từ Nghệ An đến Kon Tum, cụ thể gồm các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Huế) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Đăk Krong (Quảng Trị), Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Sao La (Quảng Nam), Sông Thanh (Quảng Nam), Ngọc Linh (Kon Tum – Quảng Nam), Chư Mom Rây (Kon Tum), Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa, Nam Hải Vân (Đà Nẵng), và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam.
Danh lục đỏ IUCN năm 2008 xếp hạng loài này ở mức Nguy Cấp (EN), tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất của Ben Rawson, FFI về tình trạng bảo tồn linh trưởng của Việt Nam thì IUCN sẽ đưa loài Chà vá chân nâu lên mức Cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên. Ở ngoài tự nhiên, loài này được dự đoán là sẽ bị suy giảm quần thể hơn 50% trong vòng 35 năm đến trong vòng 3 vòng đời sinh sản (Mỗi vòng đời sinh sản khoảng 10-12 năm) bỡi sự suy giảm về diện tích vùng sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.
Tại Việt Nam, Voọc chà vá chân nâu cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các văn bản luật, nghị định, thông tư của chính phủ Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam cũng xếp loài này ở mức Nguy cấp (EN) và Nghị định 32NĐCP/2006 của Chính phủ xếp loài này vào danh mục IB “nghiêm cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức”.