Ba Lan và Bulgaria đã chuẩn bị như thế nào khi Nga cắt khí đốt?

Quốc tế - Ngày đăng : 15:01, 28/04/2022

Ngày 27.4, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do hai nước này không chịu thanh toán bằng đồng rúp.

Gazprom đáp ứng gần một nửa nhu dầu khí đốt hàng năm của Ba Lan: 10 tỉ trên tổng lượng tiêu thụ trên 20 tỉ mét khối. Chỉ có chưa tới 8% khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện (vốn chủ yếu dùng than đá).

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan đã tuyên bố các công ty công nghiệp tiêu thụ khí đốt nhiều sẽ không bị ảnh hưởng do chính phủ đã chuẩn bị cho tình huống bị Nga cắt nguồn cung.

Ba Lan đáp ứng phần nhu cầu khí đốt còn lại bằng 6,2 tỉ mét khối khí hóa lỏng (LNG) được vận chuyển đến cơ sở dự trữ tại Swinoujscie, 4 tỉ mét khối khí đốt tự sản xuất, 3 tỉ mét khối khí cung cấp từ Cộng hòa Czech và Đức.

Phía Bulgaria mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt, trong đó 90% do Gazprom cung cấp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng nhập một lượng nhỏ từ Azerbaijan.

Kho dự trữ 3,5 tỉ mét khối của Ba Lan hiện đầy 76% – gấp đôi mức một năm trước, cho phép họ thoải mái cung cấp khí đốt qua mùa nắng nóng khi mức tiêu thụ thường giảm xuống chỉ còn khoảng 1 tỉ mét khối/tháng. Kho dự trữ 550 triệu mét khối của Bulgaria hiện đầy 17,6%.

lu107040171-1648798026762-gettyimages-1236639061-russia_gas_storage.jpeg
Ba Lan đã chuẩn bị trước cho tình huống bị Nga cắt nguồn cung khí đốt - Ảnh: Getty Images

Lựa chọn bù đắp nguồn cung Nga

Ba Lan có thể nhận khí đốt từ hai đường ống liên kết với Đức cùng một đường ống liên kết. Ngoài ra còn có ba đường ống chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm nay: một liên kết với Lithuania công suất 2,5 tỉ mét khối/năm mở ngày 1.5, một liên kết với Slovakia công suất 5 - 6 tỉ mét khối/năm mở vào cuối năm, một liên kết với Na Uy công suất 10 tỉ mét khối/năm mở tháng 10.

Còn Bulgaria có thể tìm đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như xem xét khả năng tham gia mua khí đốt chung với Liên minh châu Âu (EU). Nước này còn có kế hoạch hoàn thành hệ thống kết nối với Hy Lạp vào tháng 6 cho phép họ nhập khẩu thêm 1 tỉ mét khối khí đốt Azerbaijan mỗi năm.

Bộ trưởng An ninh năng lượng Ba Lan Piotr Naimski khẳng định nguồn cung hiện tại cùng nguồn cung thay thế giúp họ duy trì được vài tháng. Chính phủ Bulgaria cũng không định hạn chế cung cấp ở thời điểm hiện tại vì nguồn cung đảm bảo ít nhất một tháng.

Giới phân tích nhận định Bulgaria nên nhanh chóng ký hợp đồng với các nhà cung cấp LNG như Qatar, Algeria, Mỹ, đồng thời tăng nhập khí đốt Azerbaijan.

Cẩm Bình