Loài bạch tuộc có nọc độc mạnh gấp 1.200 lần xyanua

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:50, 29/04/2022

Bạch tuộc đốm xanh là một trong những sinh vật biển độc nhất trên thế giới dù kích thước khá nhỏ và có bản tính ngoan ngoãn.
bach-tuoc.jpg
Bạch tuộc đốm xanh là một trong những sinh vật biển độc nhất trên thế giới

Bạch tuộc đốm xanh, tạo thành chi Hapalochlaena, gồm 4 loài bạch tuộc rất độc được tìm thấy ở các bể thủy triều và rạn san hô thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chi bạch tuộc này được mô tả bởi nhà động vật học người Anh Guy Coburn Robson vào năm 1929.

Chúng có thể được nhận biết nhờ vào lớp da màu vàng và những đốm màu xanh biển đặc trưng, thứ có khả năng thay đổi màu sắc đột ngột khi bị đe dọa. Thức ăn của bạch tuộc đốm xanh là những động vật nhỏ như cua, cua ẩn sĩ, tôm và các loài giáp xác khác.

Các loài bạch tuộc đốm xanh dành phần lớn thời gian trốn trong cách kẽ hở trên đá trong khi trưng ra những hoa văn ngụy trang bằng những tế bào sắc tố da của chúng. Giống như tất cả các loài bạch tuộc, bạch tuộc đốm xanh có thể thay đổi hình dạng một cách dễ dàng. Điều này giúp bảo vệ con bạch tuộc khỏi những kẻ săn mồi.

Con cái thường chỉ đẻ một lần khoảng 50 quả trứng trong suốt cuộc đời của chúng vào cuối mùa thu. Trứng được ấp bên dưới cánh tay của con cái trong khoảng 6 tháng và trong quá trình này, nó không ăn. Sau khi trứng nở, con cái chết và con cái mới sẽ trưởng thành và có thể giao phối vào năm sau.

bach-tuoc2.jpg
Nọc độc của chúng có chứa chất độc thần kinh tetrodotoxin, độc hơn 1.200 lần so với xyanua

Bạch tuộc đốm xanh là một trong những sinh vật biển độc nhất trên thế giới. Dù có kích cỡ nhỏ từ 12-20 cm và có bản tính khá ngoan ngoãn, nhưng bạch tuộc đốm xanh là loài nguy hiểm đối với con người nếu bị khiêu khích hay chạm vào bởi vì nọc độc của chúng có chứa chất độc thần kinh tetrodotoxin, độc hơn 1.200 lần so với xyanua.

Khi bị kích động, chúng sẽ nhanh chóng thay đổi màu sắc, trở thành màu vàng tươi với khoảng 50-60 đốm lóe sáng màu xanh biển óng ánh rực rỡ trong vòng một phần ba giây như là một sự trình diễn cảnh báo ra tín hiệu xua đuổi bằng màu sắc.

Nọc độc của nó có thể gây buồn nôn, ngừng thở, suy tim, nghiêm trọng hơn là tê liệt toàn thân, mù lòa thậm chí dẫn đến tử vong trong vòng vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Cho đến nay vẫn chưa có chất kháng nọc độc của bạch tuộc đốm xanh.

Long Hải