MV mới của Sơn Tùng M-TP: Đâu phải cứ cô đơn là tự kết liễu cuộc sống

Văn hóa - Ngày đăng : 16:23, 29/04/2022

Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi tẩy chay MV mới của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vì cho rằng nội dung MV cổ súy hành động tự tử. Nhiều chuyên gia cho rằng nên gỡ vì sự nguy hiểm mà thần tượng có thể gây ra.

Mạng xã hội kêu gọi tẩy chay MV; chuyên gia đề nghị “nên gỡ” vì nguy hiểm

Ngày 28.4, ca sĩ Sơn Tùng M-TP ra mắt ca khúc tiếng Anh đầu tiên của mình mang tên There’s no one at all. Đây là bài hát đánh dấu lần đầu tiên Sơn Tùng hát và sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nội dung MV kể lại một câu chuyện thật buồn, về một cậu bé bị bỏ rơi từ nhỏ, lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu và thấu cảm của những người xung quanh, để rồi trở thành một thiếu niên giận dữ, đau khổ và cô đơn. Kết thúc MV, nhân vật chạy trốn khỏi tất cả mọi thứ, đứng trước vực sâu, rơi một hàng nước mắt và tự tử. Sản phẩm dù chỉ mới ra mắt đã đạt hơn 5 triệu lượt xem.

mvmoisontung.png
MV There’s no one at all. khiến nhiều người lo sợ vì ảnh hưởng đến giới trẻ 

Tuy nhiên, nhiều người dùng cho rằng đây là một MV có màu sắc u ám, tiêu cực, đỉnh điểm là cảnh tự tử của nam thanh niên ở cuối MV.

Sáng 29.4, trên mạng xã hội xuất hiện hàng trăm bài đăng kêu gọi báo cáo (report) bài hát mới của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vì có nội dung gây hại hoặc nguy hiểm, cụ thể là hành vi tự tử hoặc tự gây thương tích. Các bài đăng này thu về lượng tương tác lớn trên Facebook.

Chuyên gia truyền thông Huỳnh Lê Khánh (Giám đốc điều hành tập đoàn Golden Communication Group) nhận định đây là sản phẩm độc hại cho lứa tuổi khán giả là fan của Sơn Tùng. Anh kêu gọi mọi người cùng báo cáo và tẩy chay sản phẩm này để thức tỉnh nghệ sĩ và để sản phẩm không tiếp tục lan truyền đến quá nhiều khán giả nhỏ tuổi.

Trên Facebook, ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO Tiktok Việt Nam cũng cho rằng: "Nên cấm hoặc hạn chế phát hành MV này".

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, chuyên gia giáo dục, cũng chia sẻ vào sáng nay trên Zing rằng: "Hình ảnh trong MV bế tắc, không phù hợp với các bạn trẻ. Cách giải quyết vấn đề, tìm lối ra của nhân vật quá tiêu cực".

"Cảnh nhảy lầu tự tử trong MV có thể ảnh hưởng đến tiềm thức về một cách giải quyết vấn đề của các bạn trẻ. Đó là điều nguy hiểm", ông nhấn mạnh.

Và cuối cùng, ông nói: "Tôi nghĩ MV này cần phải bị gỡ bỏ. Tôi tin các cơ quan quan lý văn hóa sau khi kiểm tra lại, MV sẽ bị gỡ".

Lo sợ có căn cứ khi thần tượng ảnh hưởng đến giới trẻ

Vai trò của văn hóa, nghệ thuật rất quan trọng trong việc định hướng xã hội và ảnh hưởng đến giới trẻ.

Những năm thập niên 40-50 thế kỷ trước là thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế thế giới. Nước Mỹ đã có giải pháp vực dậy tinh thần mạnh mẽ của giới trẻ bằng cách tạo ra các siêu anh hùng như Super Man, Spider Man,... hay dòng nhạc Rockn'Roll. Để từ đó, hàng triệu thanh thiếu niên Mỹ đã bắt đầu có mơ ước trở thành những nhân vật anh hùng xuất chúng, trừ gian diệt bạo và giúp đỡ cộng đồng.

Câu chuyện này là một minh chứng cho thấy rằng vai trò và ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật với con người, xã hội như thế nào.

Cần nhớ rằng, Sơn Tùng M-TP là ca sĩ trong làng âm nhạc Việt Nam và có rất nhiều fan hâm mộ, đặc biệt là các fan trẻ tuổi. Do vậy, nhiều người lo sợ rằng, chính những hình ảnh trong There's no one at all của nam ca sĩ cổ súy cho hành vi tiêu cực, đặc biệt, khi mà thời gian gần đây, xã hội nổi lên hiện tượng nhiều thanh thiếu niên tự tử.

Khi âm nhạc, phim ảnh xuất hiện trước đại chúng trở nên vô cùng nhạy cảm. Và những tác động hoặc tác hại mà Sơn Tùng M-TP có thể tạo ra khi đang là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ.

Bạn có thể khiến một người đang buồn chán cô đơn dễ dàng muốn kết thúc cuộc sống bằng những hình ảnh hoặc ca từ chạm vào nỗi đau của họ và khuyến khích họ buông bỏ. Và như vậy, những hình ảnh trong MV này có thể trở nên nguy hiểm cho cộng đồng.

daithihao.jpg
Đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe

Năm 1774, đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther. Cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện buồn bã về bi kịch cuộc đời một nghệ sĩ trẻ có tên Werther, người đem lòng yêu một phụ nữ nhưng không thể đến với người mình yêu được. Quá đau khổ, anh đã tự kết liễu đời mình bằng cách bắn vào đầu mình. 

Cuốn sách của nhà văn khi đó bán chạy nhất châu Âu vào thời điểm đó, và nhiều thanh niên phát sốt với câu chuyện tình này. Họ tìm thấy sự đồng cảm từ cuộc sống của chính mình. 

Sau đó, các vụ tự tử diễn ra liên tiếp khắp châu Âu và kéo dài đến 2 năm. Rất nhiều nạn nhân lựa chọn cách ra đi với bộ đồ y hệt như Goethe đã tả Werther trong tiểu thuyết: áo khoác màu xanh và quần nhung vàng, rồi tự tử bằng một khẩu súng và thậm chí còn để lại hiện trường cuốn tiểu thuyết.

Làn sóng tự tử trở nên mạnh mẽ đến mức, ở nhiều thành phố lớn tại châu Âu thời đó, người ta đã phải cấm phát hành, tịch thu và tiêu hủy cuốn sách.

Cho đến tận bây giờ, “hiệu ứng Werther” vẫn được sử dụng rộng rãi như một cách nói về xu hướng bắt chước tự tử một cách mù quáng.

truongquocvinh.png
Ngôi sao hàng đầu châu Á, ca sĩ diễn viên Trương Quốc Vinh đã kết liễu cuộc đời mình bằng tự tử và thống kê sau đó cho thấy, có nhiều người tự tử là bởi thần tượng của họ. 

Ngày 1.4.2003, ngôi sao hàng đầu Hồng Kông Trương Quốc Vinh đã tự kết liễu cuộc đời mình. Người ta thống kê rằng, 3 tháng trước vụ việc, số người tự tử ở Hồng Kông chỉ có 99 người. Nhưng sau thời điểm tháng 4 đó, đã có 131 người tự tử, tức là tăng đến 32% và đã có không ít những bức thư tuyệt mệnh mà trong đó, lý do của người ra đi là bởi... nam diễn viên.

Những câu chuyện trên cho thấy sức ảnh hưởng của thần tượng đến người hâm mộ lớn như thế nào. 

Là người của công chúng, hơn ai hết, người nghệ sĩ phải ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội. Bởi họ chính là những người có sức ảnh hưởng lớn đến một bộ phận công chúng, trong đó có giới trẻ.

Xin trích ý kiến của một độc giả: "Như vậy, nếu theo cách Tùng truyền tải trong MV, thì khi không có ai bên cạnh, khi cảm thấy cô đơn, cách người ta có thể làm chỉ là kết thúc cuộc đời? Một thông điệp vô cùng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến rất nhiều bạn trẻ khi xem MV này". 

Phong Anh