Xã xin khai thác rừng sớm để tránh người dân tự ý khai thác cây gãy đổ
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:55, 29/04/2022
Ông Huỳnh Kim Anh, Chủ tịch UBND xã An Định cho biết trên báo Phú Yên: “Rừng trồng đến nay đã gần 10 năm, cây đã lớn, nếu không khai thác thì hàng năm gió bão sẽ làm gãy đổ, gây thất thoát, địa phương sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý vì người dân tự ý vào rừng trồng để khai thác cây gãy đổ. UBND xã An Định đã có văn bản kiến nghị HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép địa phương khai thác rừng trồng nói trên, đồng thời tổ chức giao khoán để trồng lại rừng".
Câu chuyện từ việc đóng cửa mỏ sắt
Xã An Định cho biết câu chuyện bắt đầu từ việc Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang Phú Yên (Công ty Sơn Giang) được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ sắt Phong Hanh tại xã An Định với diện tích 21ha, thời gian khai thác từ năm 2007-2011. Nhưng đến tháng 8.2012, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường mỏ sắt Phong Hanh, thời gian hoàn thành đóng cửa mỏ trong 10 tháng.
Trong quá trình phục hồi môi trường, năm 2014, Công ty Sơn Giang đã trồng cây keo lá tràm trên diện tích 18ha thuộc khu vực mỏ sắt Phong Hanh.
Đến ngày 22.8.2018, UBND tỉnh có quyết định đóng cửa mỏ sắt Phong Hanh. Theo quyết định này, Công ty Sơn Giang đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, san gạt, trồng cây keo lá tràm với mật độ 2.000 cây/ha trên diện tích 18ha. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Sơn Giang báo cáo với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện thủ tục bàn giao khu vực mỏ khoáng sản sắt Phong Hanh cho UBND xã An Định quản lý. UBND xã An Định tiếp tục duy tu, bảo dưỡng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường; kinh phí thực hiện lấy từ nguồn khai thác cây trồng trên diện tích phục hồi môi trường.
Ngày 22.11.2018, UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất dự án mỏ sắt Phong Hanh với tổng diện tích 21ha và giao UBND xã An Định quản lý. Theo quyết định này, UBND tỉnh giao Sở TN-MT thông báo cho tổ chức có đất bị thu hồi (Công ty Sơn Giang) nộp toàn bộ hồ sơ về đất cho Sở TN-MT để thu hồi, quản lý theo quy định. Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bàn giao đất cho UBND xã An Định quản lý theo quy định.
Xã cho biết đã tổ chức quản lý, bảo vệ tốt rừng trồng keo nói trên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng gió bão các năm 2017, 2019, 2021 và cuối tháng 3.2022 mới đây, nhiều diện tích keo trồng bị gãy, ngã đổ. Keo trồng đến nay đã quá tuổi khai thác, địa phương nhiều lần làm thủ tục xin phép khai thác nhưng gặp vướng mắc vì không có biên bản bàn giao rừng trồng phục hồi môi trường giữa Công ty Sơn Giang với UBND xã An Định…
Ý kiến cơ quan chức năng
Theo UBND xã An Định, việc không có biên bản bàn giao là do ngày 30.8.2018, đại diện Sở TN-MT, UBND huyện Tuy An, Phòng TN-MT huyện Tuy An, UBND xã An Định và Công ty Sơn Giang kiểm tra thực địa và lập biên bản để bàn giao khu vực mỏ sắt Phong Hanh cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra thực địa và biên bản bàn giao này, Công ty Sơn Giang không cử người tham gia.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT lý giải trên báo địa phương, hiện Công ty Sơn Giang chưa phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giao đất dự án mỏ sắt Phong Hanh cho UBND xã An Định quản lý. Do Công ty Sơn Giang chưa thực hiện đầy đủ nội dung theo các quyết định của UBND tỉnh về đóng cửa mỏ và thu hồi đất dự án mỏ khoáng sản sắt Phong Hanh nên hồ sơ xin chủ trương khai thác rừng trồng của UBND xã An Định chưa đủ cơ sở pháp lý để Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh cho chủ trương khai thác rừng trồng nói trên.
Ông Nguyễn Nghĩa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) cho biết: UBND xã An Định có tờ trình xin chủ trương khai thác rừng trồng tại khu vực phục hồi môi trường thuộc mỏ sắt Phong Hanh. Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND xã An Định cung cấp bổ sung một số tài liệu, hồ sơ, nhưng đến nay xã vẫn chưa cung cấp văn bản thể hiện nội dung Công ty Sơn Giang đã bàn giao diện tích rừng trồng phục hồi môi trường cho UBND xã quản lý, sử dụng.
Đồng thời, ông Nghĩa nêu hướng giải quyết: Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND xã An Định kiến nghị Sở TN-MT có ý kiến về các nội dung: Diện tích đất dự án mỏ khoáng sản sắt Phong Hanh của Công ty Sơn Giang tại xã An Định có phải do địa phương quản lý hay không? Tài sản rừng trồng phục hồi môi trường tại mỏ khoáng sản sắt Phong Hanh có phải là tài sản của UBND xã An Định hay chưa? UBND xã An Định có được quyền khai thác diện tích rừng trồng này hay không (18ha trồng cây keo trên diện tích phục hồi môi trường)?
Vì sao đóng cửa mỏ sắt Phong Hanh
Ngày 29.6.2012, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký Công văn số 1838/UBND-ÐTXD, yêu cầu Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang Phú Yên (100% vốn Trung Quốc) khẩn trương hoàn tất hồ sơ đóng cửa mỏ sắt Phong Hanh.
Không cho phép Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang Phú Yên tận thu quặng đuôi trong bùn thải tại các bãi thải. UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên, khi tiếp nhận đề án đóng cửa mỏ sắt Phong Hanh, thực hiện ngay việc thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản.
Trong quá trình khai thác mỏ sắt tại thôn Phong Hanh, xã An Ðịnh, huyện Tuy An, Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang Phú Yên đã khai phá núi, đào hai hồ chứa gồm một hồ rửa quặng có thể tích 30 nghìn m3 và một hồ chứa bùn rộng hơn 1.200 m2 ngoài khu vực quy định đã được cấp phép. Cả hai hồ chứa này xây dựng trên cao, thường xuyên bị rò rỉ chất thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đất sản xuất và khu dân cư trong khu vực.
Công ty này đã ba lần bị địa phương xử phạt hành chính với tổng số tiền 243 triệu đồng, do vận hành hệ thống xử lý môi trường không đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và do khai thác khoáng sản ngoài khu vực cho phép.