Bộ GD-ĐT tiếp tục khẳng định không có chuyện ép học sinh yếu không được thi lớp 10

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:04, 29/04/2022

Trả lời báo chí về nghi vấn ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sau khi rà soát thì không có sự việc này.

Bộ GD-ĐT tiếp tục khẳng định không có chuyện ép học sinh yếu bỏ thi lớp 10

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29.4, trả lời báo chí về nghi vấn ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết ngay sau khi được biết thông tin việc một số trường ở Hà Nội ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngay Sở GD-ĐT rà soát, làm rõ thông tin này.

Theo đó, Sở đã yêu cầu Phòng GD-ĐT xuống các trường này rà soát, làm việc với trường và phụ huynh học sinh liên quan. Sau khi xác minh, Phòng GD-ĐT đã kết luận là không có sự việc này. Những thông tin này có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp.

Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023 đảm bảo chặt chẽ nghiêm túc, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời.

Ông Độ cho biết về phía Bộ GD-ĐT, từ 28.12.2017, Bộ đã ban hành Công văn 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường quản lý thi cử. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục.

nguyen-hu-do.jpeg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời báo chí

Theo đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào THCS, THPT cũng như vấn đề thi tốt nghiệp. Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tránh không thực chất, làm hình thức dẫn đến việc thấy học sinh có thể chưa có kết quả tốt mà tư vấn chuyển trường này trường khác như sự việc vừa qua.

“Việc hướng nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 29/TƯ sau năm 2020 hướng tới giáo dục bắt buộc 9 năm, đến lớp 10 sẽ phân bổ hướng nghiệp. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm”, ông Độ nói.

Bộ GD-ĐT trả lời về MV của ca sĩ Sơn Tùng

Cũng trả lời báo chí liên quan đến video của ca sĩ Sơn Tùng, ông Độ cũng cho biết đã nắm được việc này.

Theo ông Độ, thời gian vừa qua, các em học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 nhưng các em cũng vừa được đến trường, mới ổn định nề nếp; công tác tư vấn trong nhà trường đã và đang được triển khai rất mạnh. Bộ đã chỉ đạo rà soát việc học tập trực tuyến của các em học sinh trong thời gian vừa qua, đồng thời, phát hiện những em học sinh có điều kiện học tập chưa thật tốt để tư vấn cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.

“Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video clip kể trên”, ông Độ nói.

Được biết, tối 29.4, Sơn Tùng chính thức "trình làng" MV "There's No One At All". Tuy nhiên, sau chưa đầy 1 ngày ra mắt, sản phẩm mới của nam ca sĩ khiến nhiều người hâm mộ bức xúc, cùng với nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực.

Theo đó, nội dung của MV kể về một em bé mồ côi, lớn lên từ cô nhi viện. Do không nhận được sự yêu thương của gia đình nên đứa trẻ trở nên hư hỏng và thường xuyên gây rối, quấy phá, chống đối xã hội. Suốt MV là hình ảnh chàng trai cô độc, bị đuổi đánh, xã hội xa lánh.

Sau nhiều sự chịu đựng, ngột ngạt, MV kết thúc bằng hình ảnh chàng trai ngã mình xuống từ tầng cao của một công trình đang xây dựng.

Nhiều ý kiến cho rằng cảnh tự tử trong MV là không phù hợp, nhất là khi vấn nạn trẻ vị thành niên tự tử ngày càng tăng cao trong thời gian qua. Các bậc phụ huynh cũng quan ngại, MV của Sơn Tùng đang "cổ suý" cho khán giả tư tưởng tiêu cực trong cuộc sống.

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng cục Phát thanh Truyền hình cho biết: "Đầu tiên, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên lắng nghe quan điểm của phía ca sĩ như thế nào, xem họ phản biện lại ra sao, ý tưởng nội dung của họ là gì. Theo đó, cần có sự kiểm tra kỹ nội dung của MV sau khi có phản ánh từ dư luận, sau đó xem các cơ quan quản lý về văn hoá họ đã thẩm định chưa, cho phép phát hành chưa. Từ đó mới có thể đưa ra những nhận định, đánh giá cụ thể".

Ông Phúc cho biết thêm: "Về quan điểm của Cục Phát thanh Truyền hình, nếu đây là nội dung liên quan đến cổ suý, tác động đến giới trẻ về hành vi tiêu cực thì cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và yêu cầu chấm dứt ngay tức khắc, không thể lan truyền những nội dung như vậy. Nếu như đúng là có nội dung về cổ suý tự tử, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu gỡ ngay video từ các nền tảng phát hành".

Cũng theo thông tin từ Bộ TT-TT, qua thẩm định, nội dung MV "There's No One At All" của ca sĩ có nghệ danh là Sơn Tùng M-TP được các đơn vị chức năng kết luận là gây tác động xấu tới giới trẻ, nhất trong bối cảnh một số bạn trẻ có vấn đề về tâm lý hiện nay.

Bộ TT-TT đã đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google (bao gồm Youtube) gỡ ngay tức khắc MV này. Theo quy định, việc gỡ này sẽ được thực hiện trong thời gian 1-2 ngày. Tuy nhiên, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) sẽ cố gắng tác động để các nền tảng gỡ xuống càng sớm càng tốt.

Khuyến cáo, các bạn trẻ không nên tìm và xem MV này. Các cơ quan liên quan sẽ làm việc với công ty phát hành MV này và ca sĩ Sơn Tùng. Bộ VHTT-DL sẽ xử lý nội dung về văn hóa phẩm của MV.

Lam Thanh